EU đồng ý mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine

thành viên EU ukraine
08:56 - 15/12/2023
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 14/12, các nhà lãnh đạo EU đồng ý bắt đầu các cuộc đám phán gia nhập khối với Ukraine sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban – người từng đe dọa phủ quyết – không tham gia bỏ phiếu.

Theo hãng tin RT, quyết định này được công bố sau 8 giờ tranh luận tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu ở Brussels ngày 14/12. Tuy Ukraine sẽ cần nhiều năm nữa mới có thể gia nhập EU, quyết định này sẽ đưa Kiev tới gần các mục tiêu dài hạn của mình hơn.

Nhận định về quyết định mang tính lịch sử, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ca ngợi động thái này là “một tín hiệu chính trị rất mạnh mẽ”, trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mô tả đây là “một quyết định chiến lược và một ngày sẽ còn khắc sâu trong lịch sử liên minh”.

Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định: "Đây là một chiến thắng cho Ukraine, một chiến thắng cho toàn châu Âu, một chiến thắng thúc đẩy, truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh. Tôi xin chúc mừng mọi người dân Ukraine trong ngày này. Lịch sử được tạo nên bởi những người không mệt mỏi đấu tranh cho tự do”.

Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU từ tháng 2 năm ngoái và được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 6 cùng năm. Tuy nhiên, quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine trong chưa đầy 18 tháng sau đó là một quyết định gây tranh cãi vì một số quốc gia ứng cử viên ở khu vực Balkan đã chờ đợi khoảnh khắc này trong hơn 10 năm mà vẫn chưa thành công.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất việc cho phép đàm phán gia nhập Ukraine. Gần đây, ông Orban tuyên bố rằng việc thừa nhận Ukraine, quốc gia mà ông gọi là “một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới,” sẽ là một thảm họa đối với khối. Trước đó vào hồi đầu tháng 12, người phát ngôn của Thủ tướng Hungary Zoltan Kovacs cũng từng đưa ra cảnh báo rằng sự phụ thuộc hoàn toàn của Ukraine vào viện trợ nước ngoài và việc tham gia vào một cuộc xung đột đang diễn ra sẽ tự động ngăn cản bất kỳ cuộc thảo luận nào về tư cách thành viên EU của quốc gia này.

Tuy nhiên, ông Orban đã không tham gia cuộc bỏ phiếu hôm 14/12 và cũng không tiến hành phủ quyết sau khi quyết định được đưa ra, do đó cho phép 26 thành viên còn lại của EU đưa ra quyết định đồng thuận. Kể cả sau khi Ủy ban Châu Âu bỏ chặn hàng tỷ Euro tài trợ cho Hungary, khoản tài trợ bị đóng băng vào tháng 12/2022 với lý do Budapest không tuân thủ Hiến chương về các quyền cơ bản của EU về các vấn đề bao gồm quyền LGBTQ, tự do học thuật và tị nạn, Thủ tướng Hungary vẫn giữ thái độ phản đối của mình.

Sau cuộc bỏ phiếu, ông Orban tuyên bố: “Việc bắt đầu đàm phán với Ukraine trong hoàn cảnh này là một quyết định hoàn toàn vô nghĩa, phi lý và sai lầm”. Theo hãng tin RT dẫn lời ông, “nếu 26 quốc gia EU nhất trí đưa ra quyết định này thì họ nên đi theo con đường riêng của mình, Hungary không muốn tham gia vào quyết định tồi tệ này”.

Ngoài Hungary, Slovakia và Áo cũng là các quốc gia từng thể hiện thái độ phản đối việc đẩy nhanh tư cách thành viên của Ukraine. Phát biểu tại Bratislava ngày 13/12 trước đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cảnh báo rằng bất chấp “quyết định chính trị” của Hội đồng châu Âu, “Ukraine hoàn toàn không sẵn sàng để mở các cuộc đàm phán” và sẽ gặp khó khăn để đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên của khối.

Đọc tiếp

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Ngày 9/5, hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ lớn nhất tại Nga, hàng nghìn binh sĩ đã tham gia vào lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow nhân dịp kỷ niệm 79 năm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2.