FE Credit liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu

FE CREDIT VPBANK
22:57 - 31/05/2022
FE Credit là tổ chức tín dụng chiếm gần 50% thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam.
FE Credit là tổ chức tín dụng chiếm gần 50% thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) thông báo đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 27/5. Từ đầu năm đến nay, công ty này đã phát hành 4 đợt trái phiếu với tổng giá trị 1.300 tỷ đồng.

Cụ thể, lô trái phiếu mới phát hành của FE Credit có thời hạn 2 năm, không ghi rõ loại hình trái phiếu, lãi suất cũng như mục đích sử dụng vốn. Công ty cho biết nội dung thông tin đầy đủ đã được công bố cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Từ đầu năm đến nay, FE Credit đã phát hành 4 đợt trái phiếu, 3 đợt trước là vào ngày 25/4 (300 tỷ đồng), 28/4 (200 tỷ đồng) và 29/4 (300 tỷ đồng). Như vậy, tổng giá trị phát hành 4 đợt là 1.300 tỷ đồng. Các lô trái phiếu đều có thời hạn 2 năm.

Trong năm 2021, FE Credit cũng rất tích cực phát hành trái phiếu với 13 đợt, tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất trung bình là 7,5%. Mục đích sử dụng các đợt chào bán được nêu là nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, cụ thể để cấp tín dụng cho khách hàng.

Tiền thân là khối tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng VP Bank, năm 2014, khối này chính thức tách ra hoạt động dưới pháp nhân độc lập với tên gọi FE Credit, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Từ danh mục sơ khai chỉ có sản phẩm cho vay mua xe máy trả góp, công ty liên tục mở rộng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ của mình gồm: Vay tiền mặt, cho vay mua trả góp thiết bị điện máy, thiết bị gia dụng, thẻ tín dụng, bảo hiểm liên kết…

Hiện, vốn điều lệ của FE Credit đã tăng lên 10.928 tỷ đồng, là tổ chức tín dụng chiếm gần 50% thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam. Tính đến năm 2021, FE Credit phục vụ hơn 12 triệu khách hàng, trên 21.000 điểm bán hàng.

Trong quý 1/2022, công ty ghi nhận lợi nhuận đạt gần 800 tỷ đồng, cao hơn so với cả năm 2021; dư nợ cho vay tăng trưởng tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 76.600 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của khách hàng mới đạt 27.500 tỷ đồng, chiếm 36% tổng dư nợ. Năm 2022, FE Credit đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng.

Cuối 2021, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của FE Credit tăng lên 13% khi ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Với việc nền kinh tế đang dần phục hồi, công ty kỳ vọng đưa NPL xuống mức trước đại dịch, tức dưới 6%.

Năm 2021, VPBank đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Do đó, FE Credit được đổi tên thành Công ty TNHH VPBank SMBC.

VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác. Sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC được cho là động lực tăng trưởng mới cho FE Credit sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.