FED tăng lãi suất không làm dòng vốn ngoại rời bỏ Việt Nam

TỶ GIÁ THẾ GIỚI
18:20 - 20/12/2021
FED tăng lãi suất không làm dòng vốn ngoại rời bỏ Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Trước tín hiệu thắt chặt tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn, châu Á tiếp tục chính sách tiền tệ lỏng lẻo hỗ trợ nền kinh tế khi áp lực lạm phát không lớn và đà phục hồi còn mong manh, trong đó các chuyên gia dự báo dòng vốn ngoại vẫn ổn định tại Việt Nam.

Loạt ngân hàng trung ương lớn khởi động siết tiền tệ

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) báo hiệu 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022, chỉ ít ngày sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố đã đến lúc ngưng sử dụng từ “nhất thời” để nói về lạm phát.

Sau thông điệp này, chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh đã mạnh lên trông thấy trước hàng loạt đồng tiền lớn như Euro và bảng Anh.

Chỉ số Dollar Index hiện ở 96.556 điểm (Nguồn:TradingView)

Chỉ số Dollar Index hiện ở 96.556 điểm (Nguồn:TradingView)

Vài giờ sau khi FED tuyên bố lộ trình tăng lãi suất trong năm 2022, trong một động thái đầy bất ngờ, ngân hàng trung ương Anh (BOE) trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong nhóm các nền kinh tế G7 tiến hành nâng lãi suất. Đáng chú ý, chỉ 3 tuần trước đó, quan chức BOE Catherine Mann khẳng định “còn quá sớm” để nói về thời điểm tăng lãi suất.

Ở châu Âu, tâm lý nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào khả năng ngân hàng trung ương ECB nâng lãi suất trong tương lai gần dù rằng trong cuộc họp gần nhất, ECB vẫn giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng với mức lãi suất âm thấp kỷ lục.

Bên kia bán cầu, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) dù vẫn duy trì mức lãi suất mục tiêu ngắn hạn ở -0,1%, nhưng đã tuyên bố các bước dự kiến để giảm bớt một số biện pháp kích thích kinh tê trong đại dịch kể từ khoảng tháng 4/2022. Thông điệp được đưa ra tại cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất hôm 17/12.

Mới đây nhất, trong một tuyên bố hôm 20/12, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng cắt giảm lãi suất tham chiếu LPR kỳ hạn 1 năm từ 3,85% xuống 3,80%, dù giữ nguyên LPR kỳ hạn 5 năm ở mức 4,65%.

Chiến lược gia tiền tệ Francesco Pesole của ING Groep NV chỉ ra rằng: “Nếu chúng ta đi tìm một mẫu số chung cho thông điệp mà các ngân hàng trung ương lớn vừa đưa ra trong tuần này, thì đó là việc lạm phát trở thành trọng tâm trong các cuộc thảo luận chính sách tiền tệ”.

Tương tự, Nigel Green, giám đốc điều hành của deVere Group nhận định: “Cuộc tranh luận nổi bật trong suốt năm 2021 - rằng lạm phát tăng vọt có phải vấn đề tạm thời hay không - nay đã kết thúc. Từ Anh, châu Âu cho đến Mỹ và Trung Quốc, rủi ro lạm phát đã hiện hữu thực sự. Và các ngân hàng trung ương lớn đang phản ứng”.

Nỗi lo của các thị trường mới nổi châu Á

Trước tín hiệu thắt chặt tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn, nhiều thị trường mới nổi châu Á vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo hỗ trợ nền kinh tế khi áp lực lạm phát không quá lớn và đà phục hồi còn mong manh.

Chẳng hạn, ngân hàng trung ương Ấn Độ hôm 16/12 báo hiệu sẽ không vội vàng tăng lãi suất để chạy theo chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed. Đồng rupee có thời điểm trượt xuống mức thấp nhất trong 20 tháng sau tuyên bố.

Tỷ giá USD/IRN giảm cho thấy sức mạnh đồng Rupee đi xuống thấy rõ sau tuyên bố hôm 16/12 của ngân hàng trung ương Ấn Độ (Nguồn:TradingView)

Tỷ giá USD/IRN giảm cho thấy sức mạnh đồng Rupee đi xuống thấy rõ sau tuyên bố hôm 16/12 của ngân hàng trung ương Ấn Độ (Nguồn:TradingView)

Ngân hàng trung ương Indonesia cũng giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong phiên họp hôm 16/12 để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời tuyên bố sẽ không thay đổi lập trường chính sách tiền tệ bất chấp lộ trình tăng lãi suất của Fed. Đồng rupiah của Indonesia giảm mạnh 0,3% trước đồng USD sau thông điệp này.

Ngoài ra, hàng loạt đồng tiền châu Á từ đồng Won của Hàn Quốc cho đến SGD và ringgit của Malaysia đều mất giá khoảng 0,1-0,2%.

Các nhà phân tích Citigroup nhận định: “Trong trung hạn, khi Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất (sớm nhất vào tháng 3/2022), đồng USD có động lực mạnh lên” trong khi giá trị các đồng tiền mới nổi ở châu Á thường chịu áp lực trượt giá.

Tương tự, các nhà kinh tế tại Well Fargo Securities cũng cho rằng đồng USD sẽ ở vị thế tăng giá so với các đồng tiền khác trong khoảng 2 năm tới. “Chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed sẽ gây áp lực giảm lên tiền tệ của hầu hết các thị trường mới nổi, những đồng tiền vốn thường nhạy cảm hơn khi lợi suất trái phiếu tại Mỹ tăng”.

Xu hướng chung là khi lãi suất ở Mỹ tăng, dòng tiền đầu tư có thể rút khỏi các thị trường mới nổi để trở về Mỹ. Ngoài ra, việc lãi suất tăng ở Mỹ cũng gây áp lực đáng kể lên chi phí tài chính và gánh nặng nợ của các Chính phủ, đặc biệt ở các thị trường mới nổi.

Ảnh tác giả

“Chúng tôi đang chứng kiến hiện tượng dòng vốn vào các thị trường mới nổi giảm sút do kỳ vọng lãi suất tại Mỹ tăng lên trong năm tới. Nếu Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn lộ trình hiện tại, chúng tôi cho rằng một lượng vốn lớn sẽ rút khỏi các thị trường này để hồi hương. Điều này có thể gây áp lực lớn đến các thị trường mới nổi có mức nợ cao”.

Desmond Lachman, chuyên gia phân tích tại Viện Doanh nghiệp Mỹ

Việt Nam: Dự báo tỷ giá chịu áp lực nhưng vốn ngoại khó tháo chạy

Trao đổi với MEKONG ASEAN về ảnh hưởng từ thông điệp tăng lãi suất của FED tới chính sách tiền tệ tại Việt Nam nói chung và vấn đề tỷ giá nói riêng, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia dự báo: "Trong năm 2022, Việt Nam dự kiến vẫn sẽ không có gói kích thích trực tiếp nào đáng kể theo hướng “bơm tiền vào nền kinh tế”, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức khoảng 12-13% không tăng quá lớn. Lạm phát cả năm dự báo ở mức 3,0-3,5%, nằm trong tầm kiểm soát".

Trong kịch bản như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp và tỷ giá hối đoái ổn định với mức biến động không đáng kể, chỉ khoảng 1-1,5%. Biến động trên thị trường tài chính thế giới dự kiến không gây nhiều tác động đến tỷ giá trong nước, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Trong khi đó, tại báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2022 mới công bố tuần trước, Chứng khoán VCBS nhận định việc Fed tăng trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng nhanh hơn các ngân hàng trung ương lớn như ECB, BOJ sẽ dẫn đến khả năng USD lên giá nhiều hơn so với các ngoại tệ khác, từ đó gây áp lực lên tiền Đồng.

Dự báo trong năm 2022, đồng Việt Nam có xu hướng giảm giá tương đối so với USD. Tuy nhiên mức biến động không lớn, không vượt quá 2% cho cả năm.

Tỷ giá USD/VND duy trì ổn định suốt thời gian qua (Nguồn: VCBS)

Tỷ giá USD/VND duy trì ổn định suốt thời gian qua (Nguồn: VCBS)

Liên quan đến rủi ro vốn ngoại tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam để hồi hương khi lãi suất tại Mỹ tăng lên, TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công (Học viện Tài chính) nhận định trong một cuộc trao đổi gần đây với MEKONG ASEAN rằng tiềm năng thị trường Việt Nam trong dài hạn sẽ là yếu tố giữ chân nhà đầu tư ngoại.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng sau khi khối ngoại bán ròng kỷ lục năm 2021 để chốt lời với mức bán ròng 11 tháng lên tới gần 60.000 tỷ đồng, năm 2022 sẽ là cơ hội để khối ngoại trở lại mua ròng.

Ảnh tác giả

“Năm 2022 cũng là cơ hội cho sự trở lại mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại. Tôi cho rằng khối ngoại sẽ mua ròng trong năm sau và duy trì đà mua ròng trong dài hạn, góp phần tăng thanh khoản và giúp thị trường lấy lại trạng thái ổn định”.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Tin liên quan

Đọc tiếp