FIDT: VN-Index có thể tiến sát mốc 1.200 điểm vào giữa năm 2023

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
07:56 - 10/01/2023
0:00 / 0:00
0:00
Nhìn trên 2 thước đo định giá P/E lẫn P/B, đơn vị tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT định giá VN-Index đang rẻ khi so sánh với diễn biến định giá trong quá khứ và so sánh với các thị trường khu vực, quốc tế.

Trong báo cáo chiến lược 2023 với chủ đề “Tích luỹ chờ thời cơ” cập nhật ngày 9/1, FIDT nhận định các yếu tố cần theo dõi trong tình hình vĩ mô thế giới năm 2023 vẫn là lạm phát, lãi suất và nguy cơ suy thoái.

Lạm phát đạt đỉnh và giảm dần trong năm 2023, nhưng vẫn còn trên mức mục tiêu 2% của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cơ quan này dự định tăng lãi suất 2 lần nữa với các mức thấp (0,25%) và sau đó duy trì đến cuối 2023 trước khi hạ lãi suất. Xác suất xảy ra suy thoái đã cao hơn đáng kể.

Việc Trung Quốc mở cửa có tác động đa chiều, nhưng được đánh giá là tích cực khi giúp giảm đứt gãy chuỗi cung ứng. Rủi ro địa chính trị hiện tại tập trung vào cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, yếu tố này mang tính chất bất ngờ và tác động mạnh nhưng thường ngắn hạn.

Đối với trong nước, lạm phát trong năm 2023 sẽ không quá cao do Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài. Tuy nhiên mức lạm phát sẽ chịu áp lực do Nhà nước vẫn đang “kiềm giá” đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là giá điện.

FIDT ước tính lạm phát trong năm 2023 có thể quanh mức 4,3%, tương đương với mức trung bình của các tổ chức tài chính kinh tế đã đưa ra và lạc quan hơn so với mục tiêu được Quốc hội thông qua ở mức 4,5%; tuy nhiên vẫn có rủi ro tăng lên mức 5,3% nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ dao động trong khoản 5,8 – 7,2%, cao hơn phần lớn các nước trong khu vực và mục tiêu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế có sự khác nhau giữa 6 tháng đầu năm và cuối năm.

Trước hết, cho đến ít nhất là tháng 6/2023, Fed và ECB sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Trong tương lai, điều này sẽ làm tăng lãi suất, làm giảm nhu cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến thị trường lao động và hạn chế sự phát triển kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong các quý tới do nhu cầu tại hai khu vực này sụt giảm.

Ngoài ra, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam bao gồm may mặc, luyện kim, hóa chất và điện tử, phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc nên sự tăng trưởng và tốc độ mở cửa trở lại tại thị trường này cũng có tác động lớn đến khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong 2023.

Từ giữa năm 2023, các chính sách sẽ bắt đầu tốt dần lên sau khi lạm phát được khống chế.

Với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại và mức tăng thêm tổng cộng là 1% để đạt mức lãi suất tối đa (terminal rate) thì áp lực lên tỷ giá và lãi suất của Việt Nam sẽ không quá căng thẳng như giai đoạn tăng liên tục các mức cao 0,75%/lần như vừa qua. Xu hướng tăng của lãi suất tiền gửi có thể chậm lại trong nửa đầu 2023 nhờ áp lực tỷ giá được hạn chế bớt, điều này cho phép Ngân hàng Nhà nước (SBV) bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất.

Nhờ vậy, SBV sẽ có thể linh hoạt hơn trong việc sử dụng các công cụ để điều chỉnh lãi suất. Tuy nhiên với bối cảnh lãi suất của Fed vẫn duy trì ở mức cao và áp lực lạm phát vẫn hiện diện thì FIDT kỳ vọng lãi suất sẽ tăng nhẹ, duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2023 và có thể hạ nhiệt dần vào giai đoạn cuối năm.

Ngoài lạm phát, lãi suất thì trái phiếu doanh nghiệp vẫn là vấn đề nóng đối với tình hình trong nước. Theo dữ liệu FIDT thống kê thì áp lực trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tập trung nhất vào trước Tết Nguyên đán, giảm giai đoạn đầu năm và sau đó chịu áp lực cao vào quý 3/2023. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn hiện tại tập trung lớn nhất vào 2023 với khoảng 123.000 tỷ đồng và giảm dần các năm sau.

Ở thời điểm hiện tại, FIDT cho rằng tình trạng "căng thẳng" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất lớn và cần quan sát khả năng thanh toán đến hạn. Tuy nhiên nếu Nghị định sửa đổi Nghị định 65 được thông qua sẽ ảnh hưởng tích cực lên thị trường.

Theo đó, các điều kiện khó đáp ứng và cần thời gian để thị trường thích nghi được dời thời gian áp dụng sang 2024, mở ra cơ sở cho việc giải quyết qua thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản đối với các trái phiếu tới hạn và doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, giúp giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.

Về triển vọng thị trường chứng khoán, theo FIDT, so với lịch sử biến động định giá của chính VN-Index thì giá trị chỉ số P/E và P/B đều đang nằm gần vùng biên 2 độ lệch chuẩn dưới và nằm gần biên dưới của vùng dao động chỉ số định giá trong 10 năm. Do đó, VN-Index hiện có mức định giá rẻ trong hơn 10 năm lịch sử của chính chỉ số này.

Khi so sánh với các chỉ số quốc tế và khu vực, P/E của VN-Index đang ở mức thấp nhất so với các thị trường khu vực và quốc tế. P/B của VN-Index thấp hơn trung bình các thị trường và cao hơn khối ASEAN-5 và Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi xét đến yếu tố ROE (thước đo quan trọng cho mức P/B hợp lý) thì định giá thị trường Việt Nam vẫn tương đối rẻ hơn các thị trường khu vực và quốc tế. Do đó, VN-Index hiện có mức định giá hấp dẫn khi so sánh với các thị trường quốc tế và khu vực.

Đáng chú ý, khối ngoại đã trở lại mua ròng từ quý 2/2022 và chấm dứt chuỗi bán ròng liên tiếp trong 7 quý liên tiếp. Trong quý 3/2022, khối ngoại bán ròng nhẹ và đây là xu hướng chung khi đồng USD tăng giá toàn cầu nhưng đã trở lại đà mua ròng mạnh mẽ trong quý 4. Đây là quý mua ròng lớn nhất của khối ngoại từ trước đến nay với hơn 25.000 tỷ đồng (tính đến hết 25/12).

FIDT nhận định xu hướng mua ròng trở lại của khối ngoại đang được củng cố vững chắc bởi sự hút ròng của nhiều quỹ ETF ngoại chuyên đầu tư vào thị trường Việt Nam và đây sẽ là nguồn vốn quan trọng hỗ trợ thị trường khi nguồn vốn trong nước bị hạn chế.

Lợi nhuận của VN-Index được đóng góp chủ yếu bởi lợi nhuận nhóm ngân hàng và từ 2015 đến nay nhóm này liên tục gia tăng tỷ trọng đóng góp chính vào lợi nhuận của toàn thị trường.

Dựa trên phân tích triển các nhóm ngành, đặc biệt là nhóm ngành ngân hàng, FIDT đưa ra dự phóng tăng trưởng EPS toàn thị trường năm 2023 chỉ ở mức 2,9%. Đây cũng là mức hợp lý khi chính sách tiền tệ đang thắt chặt chống lạm phát và hoạt động kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Cùng với ROE dự phóng ở mức 14% thì định giá P/B VN-Index phù hợp ở mức 1,9-2,3 lần.

FIDT dự phóng thị trường hồi phục định giá về mức P/B 1,8 lần giữa 2023 và 2 lần cuối 2023.

Đánh giá tổng thể, đơn vị phân tích nhận định thị trường phù hợp cho việc đầu tư trong 6 đến 12 tháng tới với triển vọng tương đối tích cực; đồng thời đưa ra kịch bản cho VN-Index vào thời điểm giữa năm 2023 có thể tiến sát ngưỡng 1.200 điểm.

FIDT đưa ra kịch bản VN-Index vào 2 thời điểm giữa và cuối 2023.
FIDT đưa ra kịch bản VN-Index vào 2 thời điểm giữa và cuối 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp