Giá dầu lần đầu tiên xuống dưới mốc 100 USD/thùng kể từ tháng 4

DẦU THÔ THẾ GIỚI
14:35 - 14/07/2022
Giá dầu thế giới neo dưới mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2022. Nguồn: Getty Images.
Giá dầu thế giới neo dưới mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2022. Nguồn: Getty Images.
0:00 / 0:00
0:00
Trên thị trường thế giới, dù có động thái tăng nhẹ nhưng giá dầu Brent và dầu WTI vẫn neo ở dưới mốc 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 4/2022 do ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/7, giá dầu Brent tăng 0,08 USD lên 99,57 USD/thùng. Giá dầu WTI cộng 0,46 USD lên 96,30 USD/thùng.

Mặc dù giá dầu có động thái tăng nhẹ, nhiều nhà đầu tư vẫn bán tháo cổ phiếu dầu vào cuối phiên do lo ngại rằng việc nâng lãi suất quyết liệt để ngăn chặn lạm phát sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu.

Ngày 12/7 vừa qua, giá dầu đã giảm hơn 7% và chốt phiên dưới mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên, sau khi liên tục tăng mạnh do ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine kể từ tháng 4/2022.

Tuần này, trong báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều cảnh báo rằng nhu cầu đang suy giảm, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo CNBC, dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo. Cụ thể, dữ liệu của Chính phủ cho thấy dự trữ dầu thô thương mại tại Mỹ tăng 3,3 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn so với dự báo giảm nhẹ.

Nhà đầu tư vẫn lo ngại về đà suy yếu gần đây của nhu cầu nhiên liệu toàn cầu cũng đang xuất hiện ở Mỹ.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ đã tăng 9,1% trong tháng 6 khi chi phí xăng dầu và thực phẩm ở mức cao, củng cố dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này.

Trước đó, giá dầu Brent đã giảm mạnh kể từ khi chạm mốc 139 USD/thùng hồi tháng 3/2022, gần mức cao mọi thời đại vào năm 2008. Ngoài ra, các yêu cầu phong tỏa mới Covid-19 ở Trung Quốc cũng gây áp lực đến thị trường trong tuần này.

Theo Bloomberg, các chuyên gia nhận định giá dầu giảm mặc dù nguồn cung dầu dường như đang eo hẹp hơn. Libya tuần trước đã tuyên bố thêm một tình huống bất khả kháng nữa đối với xuất khẩu dầu. Năng lực sản xuất dầu dự phòng thực tế của Saudi Arabia đã trở thành chủ đề chính. Nhiều người cho rằng Saudi Arabia không thể thúc đẩy sản xuất đáng kể.

Trong khi đó, Nga tiếp tục chuyển hướng xuất khẩu dầu ở châu Âu sang những người mua khác khi phương Tây nghiên cứu cách giới hạn giá dầu của Nga nhằm giảm doanh thu dầu của nước này.

Tuy nhiên, một yếu tố nữa có thể thúc đẩy xu hướng dầu giảm giá là việc Trung Quốc trong tuần này báo cáo rằng họ đã xác định trường hợp đầu tiên mắc một biến thể mới, có khả năng lây lan cao. Thông tin này khiến nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ xét nghiệm hàng loạt và có thể hạn chế di chuyển để phòng chống Covid-19. Sự lo ngại về nhu cầu, đặc biệt là lo ngại về động thái phong tỏa phòng Covid-19 ở Trung Quốc, đã trở thành tâm điểm trong tuần này.

Các nhà nghiên cứu của EBW Analytics nhận định: “Thị trường dầu đang bị kéo theo hai hướng: nguồn dầu hạn hẹp đối chọi với các mối lo ngại về nhu cầu trong tương lai cũng như các dấu hiệu nhu cầu dầu bị phá hủy do giá quá cao”.

Trong khi đó, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cố gắng đạt được thỏa thuận từ Saudi Arabia để sản xuất dầu nhiều hơn, thì dư luận vẫn cho rằng sản lượng cao hơn chưa chắc đã có tác động tích cực tới thị trường. Thị trường hiện tại cũng không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có nguồn cung dầu mới và đợt xả kho dầu dự trữ chiến lược gần đây nhất sẽ sớm kết thúc.

Tin liên quan

Đọc tiếp