Lần đầu tiên xuất khẩu LNG từ Mỹ tới châu Âu vượt Nga

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
16:37 - 02/07/2022
Do các vấn đề kỹ thuật liên quan tới lệnh trừng phạt, EU lần đầu nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ hơn Nga. Ảnh: AFP
Do các vấn đề kỹ thuật liên quan tới lệnh trừng phạt, EU lần đầu nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ hơn Nga. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol, lần đầu tiên khối lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ của EU đã nhiều hơn lượng nhập khẩu thông qua các đường ống từ Nga.

Vào tháng 6, nguồn cung khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream đã bị cắt giảm 60% do các vấn đề kỹ thuật xuất phát từ các hình phạt của phương Tây đối với Moscow. Cụ thể, tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom cho biết nhà cung cấp thiết bị Siemens Energy của Đức đã không đưa các thiết bị bơm khí trở lại trạm nén đúng thời hạn. Nguyên nhân là do các tuabin đã sửa chữa bị kẹt tại một cơ sở bảo dưỡng ở Canada do lệnh trừng phạt của Ottawa đối với Nga.

Phản ứng lại động thái này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gọi động thái của Nga mang tính chính trị khi ông khẳng định việc thiết bị sửa chữa bị kẹt không thể khiến nguồn cung bị cắt giảm tới 60%. Đồng thời, ông cho biết Đức cũng đang trong quá trình đàm phán với Canada về vấn đề này để loại bỏ việc bảo trì đường ống ra khỏi phạm vi các lệnh cấm vận.

Ngoài các rắc rối về kỹ thuật, tập đoàn năng lượng khổng lồ này cũng đang có kế hoạch ngừng dòng khí đốt tới Đức trong 10 ngày bắt đầu từ giữa tháng 7 theo lịch bảo trì hàng năm. Theo thông báo của Nord Stream AG, cả hai đoạn của tuyến đường ống sẽ bị dừng hoạt động từ ngày 11/7 đến ngày 21/7.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter hôm 30/6, ông Birol cho biết việc Nga cắt giảm mạnh dòng khí đốt tự nhiên tới EU đồng nghĩa với việc đây là tháng đầu tiên trong lịch sử EU nhập khẩu nhiều khí đốt LNG từ Mỹ hơn là thông qua đường ống từ Nga.

Ngoài ra theo RT, ông cũng bổ sung thêm việc nguồn cung của Nga giảm cho thấy nỗ lực cắt giảm nhu cầu khí đốt của EU nhằm chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn sắp tới.

Sự gia tăng nhập khẩu LNG của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Điều này cũng là nguyên nhân chính khiến khối gặp khó khăn trong việc thực hiện các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine.

Trước đó, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tới các quốc gia châu Âu bao gồm Phần Lan, Ba Lan, Bulgaria, Orsted của Đan Mạch, công ty GasTerra của Hà Lan và tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell. Nguyên nhân được phía Moscow đưa ra là vì các quốc gia và tập đoàn này từ chối áp dụng kế hoạch chuyển đổi thanh toán bằng khí đốt sang đồng ruble như một động thái đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Liên minh châu Âu cùng nhiều quốc gia thành viên đã phản đối động thái này, đồng thời gọi việc chuyển đổi thanh toán của Moscow là “vi phạm hợp đồng”. Thêm vào đó, EU cũng đã đồng ý mua thêm 15 tỷ mét khối LNG từ Mỹ trong năm 2022 vào tháng 3 nhằm hạn chế nguồn cung từ Nga và nhắm tới mục tiêu cuối cùng thay thế 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga bằng nhiều nguồn khác nhau.

Tính tới gần đây, dòng chảy khí đốt hàng năm từ Nga tới các quốc gia châu Âu vẫn luôn ở trong khoảng 150 tỷ mét khối với 14 tới 18 tỷ mét khối được gửi dưới dạng LNG. Các con số này khiến hơn 40% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của khu vực này tới từ Nga.

Đọc tiếp