Giá dầu vượt mốc 100 USD do chiến sự Nga - Ukraine leo thang

GIÁ DẦU THẾ GIỚI
14:08 - 24/02/2022
Một vụ nổ ở thủ đô Kiev, Ukraine sáng 24/2 cho thấy chiến sự với Nga đã leo thang và mở rộng. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine.
Một vụ nổ ở thủ đô Kiev, Ukraine sáng 24/2 cho thấy chiến sự với Nga đã leo thang và mở rộng. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu tiên trong vòng 8 năm, giá dầu thủng mốc 100 USD/thùng. Đó không chỉ là đòn giáng mạnh vào cuộc chiến với lạm phát của nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu, mà còn là “cú đấm thép” có nguy cơ đẩy lùi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.

Giá dầu thủng mốc 100 USD/ thùng, mốc nào tiếp theo?

Tại thời điểm 1h38' ngày 24/2 (giờ New York), giá dầu Brent hiện ở mức 102,07 USD thùng và tiếp tục diễn biến theo chiều hướng nhích lên. Giá dầu WTI ngọt nhẹ giao dịch ở 96,76 USD/ thùng, thiết lập một mức cao mới. Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 năm, giá dầu thủng mốc 100 USD/ thùng.

Giá dầu Brent thủng mốc 100 USD/ thùng và đang tiếp tục tăng (Ảnh: Oilprice)

Giá dầu Brent thủng mốc 100 USD/ thùng và đang tiếp tục tăng (Ảnh: Oilprice)

Trước đó, giá dầu đã tăng trong suốt thời gian qua theo đà phục hồi trên diện rộng của nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu năng lượng hồi sinh sau thời gian kinh tế trì trệ trong bối cảnh nguồn cung vẫn chịu nhiều áp lực, các quốc gia thành viên tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh (OPEC+) không thể nâng sản lượng 400.000 thùng/ ngày như đã cam kết.

Trong ngắn hạn, ít có khả năng nguồn cung dầu được bổ sung nhanh chóng vì nhiều yếu tố liên quan đến năng lực sản xuất và kỹ thuật.

OPEC đã thẳng thừng từ chối khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị tăng nhanh nguồn cung dầu ra thị trường. Các công ty dầu đá phiến của Mỹ cũng tuyên bố sẽ duy trì kế hoạch tăng sản lượng không quá 5% mỗi năm “cho dù giá dầu tăng lên 100 USD, 150 USD hay 200 USD”, trích lời CEO Scott Sheffield của Pioneer Natural Resources. Về phía Iran, chưa có tín hiệu nào chắc chắn thỏa thuận hạt nhân sẽ được khôi phục để mở đường cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu dầu.

Cùng lúc đó, căng thẳng địa chính trị nóng lên khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trong khu vực. Mối quan ngại như vậy nhanh chóng đẩy giá dầu Brent thủng mốc 100 USD/ thùng, hướng tới những mốc xa hơn.

Mốc giá dầu sẽ bị đẩy xa như thế nào phụ thuộc rất lớn vào những diễn biến xung đột ở miền Đông Ukraine. Nhưng các nhà nghiên cứu từ JP Morgan vào đầu tháng 2 đã cảnh báo: “Bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từ Nga sang các nước khác trong bối cảnh nguồn cung chịu sức ép có thể dễ dàng đẩy giá dầu lên 120 USD/ thùng”.

Ở kịch bản bi quan hơn, nhóm nghiên cứu của JPMorgan nhận định nguy cơ giá dầu vọt lên ngưỡng 150 USD/ thùng sẽ ăn mòn phần lớn tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời đưa lạm phát thế giới vọt lên hơn 7%, tức cao hơn gấp 3 lần mức lạm phát mục tiêu 2% mà hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu hướng tới.

Giá dầu tăng: Một “cú đấm” vào đà phục hồi kinh tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã nâng dự báo giá tiêu dùng toàn cầu năm nay lên 3,9% ở các nền kinh tế phát triển, 5,9% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Phần lớn nguyên nhân là do chuỗi cung ứng phục hồi chậm hơn dự kiến trong khi giá năng lượng, giá nguyên vật liệu và hàng hóa tiếp tục ở mức cao.

Tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới hiện vẫn báo cáo mức lạm phát ổn định, trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 1,5% vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất (PPI) năm ngoái đã tăng vọt hai con số do chi phí đầu vào tăng cao, làm tăng tính dễ tổn thương cho hoạt động sản xuất cũng như tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cho nền kinh tế. Giá dầu leo đỉnh mạnh mẽ trong thời gian qua chắc chắn đang làm gia tăng áp lực của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.

CPI tháng 1 của Trung Quốc chỉ tăng 0,9% (Ảnh: CGTN)

CPI tháng 1 của Trung Quốc chỉ tăng 0,9% (Ảnh: CGTN)

... tuy nhiên PPI tăng tới 9,1% dù mức tăng này đã hạ nhiệt đáng kể so với cuối năm 2021 (Ảnh: NBS)

... tuy nhiên PPI tăng tới 9,1% dù mức tăng này đã hạ nhiệt đáng kể so với cuối năm 2021 (Ảnh: NBS)

Tại Mỹ, tình huống không lạc quan hơn. Người tiêu dùng Mỹ đã chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng lên mức 7,5% vào tháng 1, mức cao nhất trong vòng gần 4 thập kỷ. Lạm phát nóng bỏng đưa thị trường đến những dự báo khắc nghiệt, rằng Cục Dự trữ Liên bang FED có thể tăng lãi suất 7 lần, thậm chí 9 lần liên tục trong năm nay. Trước đó vài tháng, thị trường dự báo 3 lần tăng lãi suất trong năm.

CPI của Mỹ tháng 1 cao nhất trong 4 thập kỷ (Ảnh: AG)

CPI của Mỹ tháng 1 cao nhất trong 4 thập kỷ (Ảnh: AG)

Tại Anh, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andrew Bailey đã đổ lỗi cho "sự ép giá từ giá năng lượng” như nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI liên tục tăng, buộc BOE nâng lãi suất trong một loạt động thái thắt chặt gần đây.

CPI của Anh tăng 5,5% trong tháng 1, lập mức kỷ lục mới (Ảnh: Reuters)

CPI của Anh tăng 5,5% trong tháng 1, lập mức kỷ lục mới (Ảnh: Reuters)

Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cũng cảnh báo thị trường về một động thái chuyển hướng sang chính sách tiền tệ thắt chặt trong tương lai gần khi các quan chức ECB đánh giá kỹ lưỡng tác động của tăng giá năng lượng với nền kinh tế khu vực.

Tương tự, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ hồi đầu tháng 2 nhận định giá dầu tăng là một rủi ro cần được theo dõi chặt chẽ.

Theo các nhà kinh tế của JPMorgan, một cú sốc dầu đủ lớn có thể làm chệch hướng lộ trình trung hòa chính sách tiền tệ lỏng lẻo, hướng tới thắt chặt các ngân hàng trung ương.

Tương tự quan điểm này, nhà kinh tế cấp cao Chua Hak Bin từ Maybank KimEng (Singapore) nhận định: “Giá dầu tăng sẽ đặt sức ép nặng nề hơn lên vai các ngân hàng trung ương toàn cầu trong việc tiến tới chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn, tăng lãi suất nhanh chóng hơn hơn để kiềm chế rủi ro lạm phát”.

Nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá cung cấp khoảng hơn 80% nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế toàn cầu. Do đó, phần lớn nền kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng gánh chịu tác động tiêu cực khi giá năng lượng tăng kích giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo, gây sức ép cho chi tiêu tiêu dùng và châm ngòi cho lạm phát, từ đó “ăn mòn” tăng trưởng kinh tế.

Thiệt hại sẽ đáng kể hơn ở các quốc gia nhập khẩu dầu như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ. Chỉ một số ít quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khí đốt có khả năng được hưởng lợi, như Mỹ và Nga.

Thách thức với công tác kiểm soát lạm phát trong nước

Trong dự báo tổng quan vĩ mô năm 2022, nhóm nghiên cứu công ty chứng khoán BSC đưa ra hai kịch bản chính cho lạm phát.

Hai kịch bản lạm phát mà BSC đưa ra trong báo cáo vĩ mô mới nhất (Ảnh: BSC)

Hai kịch bản lạm phát mà BSC đưa ra trong báo cáo vĩ mô mới nhất (Ảnh: BSC)

Ở kịch bản đầu tiên, trong trường hợp giá dầu bình quân ước tính 80 USD/ thùng trong năm, giá heo ước đạt mức 80.000 VND/kg, tương đương với mức giá trung bình năm 2020, giá điện và giá dịch vụ y tế có thể tăng mạnh trở lại, lạm phát giá tiêu dùng trong nước có thể đạt 4,5%.

Ở kịch bản thứ hai, khi giá dầu bình quân đạt 70 USD/ thùng, giá heo giảm xuống 41.000 VND/kg, tương đương mức thấp nhất năm 2021, giá điện và giá dịch vụ y tế duy trì ở mức thấp như hai năm 2020 và 2021 khi chính phủ vẫn quyết tâm thực thi chính sách bình ổn giá cả hàng hóa thì lạm phát giá tiêu dùng trong năm ở mức khoảng 3,0%.

Giá xăng dầu trong nước neo chặt với giá dầu thô thế giới. Như vậy, trong kịch bản giá dầu thế giới leo vượt mốc 100 USD/ thùng và tiến xa hơn nữa trong một thời gian dài, việc kiểm lạm phát trong nước ở mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đưa ra chắc chắn là một thách thức khó khăn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.