Giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh từ đầu tháng 3/2022

Giá gas Trong nước
17:38 - 01/03/2022
Giá gas tiếp tục tăng vào đầu tháng 3/2022. Nguồn: Food News.
Giá gas tiếp tục tăng vào đầu tháng 3/2022. Nguồn: Food News.
0:00 / 0:00
0:00
Giá gas bán lẻ trong nước tháng 3 sẽ tăng mạnh với mức trên 40.000 đồng với bình 12 kg và hơn 170.000 đồng với bình 48 kg. Đây là tháng thứ hai liên tiếp giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.

Cụ thể, giá gas Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3/2022 tại Hà Nội là 499.000 đồng/bình dân dụng 12 kg, tăng 44.200 đồng so với giá bán tháng 2; 1.995.900 đồng/bình công nghiệp 48kg, tăng 176.900 đồng so với giá bán tháng 2.

Giá gas bán lẻ của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) sẽ tăng 3.500 đồng/kg, tương ứng tăng 42.000 đồng/bình 12kg, khiến giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng của gas SP là 502.000 đồng/bình 12kg.

Giá gas bán lẻ của CTCP thương mại dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) tăng 3.500 đồng/kg, tương ứng mức tăng 21.000 đồng/bình 6kg, 42.000 đồng/bình 12kg và 157.500 đồng/bình 45kg.

Ông Vũ Đào Tùng Phương, Trưởng phòng kinh doanh gas dân dụng và thương mại, Tổng Công ty Gas Petrolimex cho biết, giá gas trong nước tháng 3 tăng mạnh là do giá gas thế giới bình quân tháng 3 ở mức 907,5 USD/tấn, tăng 132,5 USD/tấn so với tháng 2. Vì vậy, giá gas trong nước điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.

Còn theo ông Lê Quang Tuấn, Phó Giám đốc Pacific Petro, giá gas trong nước tăng mạnh theo đà tăng giá nhiên liệu của thế giới khi cuộc chiến giữa Nga - Ukraine nổ ra, tác động đến nguồn cung khí hóa lỏng trên toàn cầu.

Với việc cả giá xăng, giá gas đều tăng cao, áp lực với người tiêu dùng cũng như các ngành dịch vụ, sản xuất là hiện hữu và sẽ đẩy giá thành các sản phẩm đến tay người tiêu dùng tăng lên. Điều này sẽ kéo theo giá hàng hóa thiết lập mặt bằng mới, tạo áp lực lên lạm phát trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế.

Ngày 28/2, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) 2 tháng đầu năm nay tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 4 yếu tố làm tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm 2022, đó là giá xăng dầu, giá gas, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở (vật liệu xây dựng), và giá gạo, đồng loạt tăng.

Mới đây tại văn bản chỉ đạo ngày 10/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê trong việc rà soát, tính toán các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội, mặt bằng giá, chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa, nhất là đối với các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

"Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.