Giá xăng có thể tiếp tục lập kỷ lục mới vào ngày 21/6

GIÁ XĂNG Trong nước
16:15 - 20/06/2022
Giá xăng có thể tiếp tục lập kỷ lục mới vào ngày 21/6. Ảnh: Quách Sơn.
Giá xăng có thể tiếp tục lập kỷ lục mới vào ngày 21/6. Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng ngày 21/6 dự kiến tiếp tục tăng theo đà tăng thế giới. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá mặt hàng này trong nước có thể tăng thêm 350-450 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh sắp tới.

Theo lịch, ngày 21/6, Liên Bộ Tài chính - Công thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 15/6 đã tăng so với kỳ tính giá trước đó là ngày 13/6. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) trên thị trường Singapore là 151,6 USD/thùng, chu kỳ trước là 149,2 USD/thùng. Giá xăng RON 95 cũng tăng lên 158,1 USD/thùng, chu kỳ trước là 154,7 USD/thùng.

Tương tự, giá các loại dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 15/6 cũng tăng so với chu kỳ trước. Trong đó, dầu diesel tăng lên 170,88 USD/thùng, chu kỳ trước là 166,5 USD/thùng.

Do đó, tại kỳ điều hành ngày 21/6, giá xăng trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng theo giá thế giới, có thể tăng tương ứng khoảng 350-450 đồng/lít; còn dầu diesel tiếp tục tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý chi quỹ bình ổn, giá các mặt hàng này có thể tăng ít hơn.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 7 liên tiếp. Tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 15 kỳ điều hành giá có tới 12 lần giá xăng tăng, chỉ 3 lần giảm. So với đầu năm, giá xăng RON 95 hiện tăng 8.494 đồng/lít, có giá bán là 32.370 đồng/lít và là mức giá cao nhất trong lịch sử.

Trước đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu (tùy loại) trong nước, với mục tiêu kìm đà tăng giá của mặt hàng này.

Trong lần thứ 2 đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường này, các mặt hàng xăng, dầu trong nước đều được đề xuất giảm kịch khung về mức sàn, bao gồm giảm 50% thuế bảo vệ môi trường hiện tại.

Theo đó, giảm thuế bảo vệ môi trường hiện tại đối với giá xăng từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) khoảng 1.400 tỉ đồng/tháng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.