Giá xăng tăng đẩy lạm phát tháng 2 nhảy vọt 1% so với tháng 1

LẠM PHÁT Việt nAM
14:43 - 28/02/2022
Giá xăng tăng đẩy lạm phát tháng 2 nhảy vọt 1% so với tháng 1
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá lương thực, thực phẩm và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng 1.

Lạm phát tháng 2 tăng 1,42%

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số CPI tháng 2/2022 đã tăng 1% so với tháng 1, tức vượt xa mức ước tính tăng 0,6-0,7% mà nhóm nghiên cứu VCBS đưa ra trong báo cáo vĩ mô cập nhật ngày 11/2. So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát toàn phần tháng 2 tăng 1,42%, lạm phát cơ bản tăng 0,68%.

Đóng góp vào mức tăng 1% của CPI tháng 2 (so với tháng 1) là chỉ số giá tăng của 10 nhóm hàng hóa dịch vụ cơ bản.

Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất (tăng 2,35%, làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm) do ảnh hưởng khi chỉ số giá xăng dầu tăng 5,8% sau 3 đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 21/1, 11/2 và 21/2.

Trong đó, giá vận tải hành khách đường bộ tăng 3,92% theo biến động của giá xăng dầu, giá vé tàu hỏa tăng 7,95% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé, giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,91%, dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 1,34% do nhu cầu đi lại du xuân đầu năm.

Nhóm dịch vụ ăn uống cũng tăng giá 1,54%, đưa CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm do giá lương thực tăng 0,35%, giá thực phẩm tăng 1,69%, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 1,68%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,92% do diễn biến tăng giá của hàng loạt mặt hàng như dầu hỏa (tăng 8,32%), gas (tăng 3,5%), điện (tăng 1,01%), nước sinh hoạt (tăng 4,73%) khi nhu cầu sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao.

Ngoài ra, nhóm giáo dục và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng 0,51%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,37%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,07%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,22%. Chỉ riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, lạm phát toàn phần bình quân tăng 1,68%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều dự báo trái chiều cho kịch bản lạm phát năm nay

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt nhiều diễn biến phức tạp, dự báo lạm phát năm 2022 được đưa ra bởi các tổ chức nghiên cứu cho thấy sự khác nhau rõ rệt.

Theo nhận định từ VCBS, mặc dù các cơ quan điều hành có vị thế tốt trong ổn định mặt bằng giá và chủ động nguồn cung lương thực thực phẩm nhờ thế mạnh nông nghiệp, vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố gây áp lực tăng nhất định lên lạm phát trong năm 2022.

Một số yếu tố cụ thể là giá nguyên nhiên liệu đầu vào ở mức cao, cầu tiêu dùng nội địa cải thiện đáng kể ở nhóm tiêu dùng không thiết yếu, nhóm y tế cũng được dự báo ghi nhận áp lực tăng do nhu cầu chữa trị và công tác dự phòng.

Theo dự phóng của VCBS, lạm phát năm 2022 có khả năng tăng trong khoảng 4,0%-4,5%, tức vượt mức mục tiêu 4%.

Dự báo CPI năm 2022 của nhóm nghiên cứu VCBS (Ảnh: VCBS)

Dự báo CPI năm 2022 của nhóm nghiên cứu VCBS (Ảnh: VCBS)

Khác với nhóm nghiên cứu VCBS, các nhà phân tích từ Chứng khoán Mirae Asset (MAS) cho rằng lạm phát năm 2022 vẫn được kiểm soát ổn định dưới mức 4%, cụ thể là 3,8% nhờ vào hai nguyên nhân: chính sách đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường giúp bù đắp rủi ro lạm phát do giá hàng hóa cơ bản phục hồi và nhu cầu về văn hóa, giải trí, du lịch hồi phục chậm.

Dù vậy, MAS cũng cảnh báo nguy cơ lạm phát vượt 4% trong kịch bản giá hàng hóa toàn cầu tăng vọt và tác động từ các gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ lớn trong đại dịch COVID-19 thổi bùng áp lực lạm phát.

MAS dự báo lạm phát năm 2022 ở mức khoảng 3,8% (Ảnh: MAS)

MAS dự báo lạm phát năm 2022 ở mức khoảng 3,8% (Ảnh: MAS)

Thận trọng hơn, nhóm nghiên cứu BSC đưa ra 2 kịch bản lạm phát cho năm nay. Trong kịch bản giá dầu thế giới bình quân khoảng 80 USD/ thùng trong năm, giá heo bình quân khoảng 80.000 VND/kg (tương đương với mức giá trung bình năm 2020), giá điện và giá dịch vụ y tế tăng mạnh trở lại thì lạm phát giá tiêu dùng trong nước có thể đạt 4,5%.

Trong kịch bản giá dầu thế giới bình quân khoảng 70 USD/ thùng, giá heo giảm xuống 41.000 VND/kg (tương đương mức thấp nhất năm 2021), giá điện và giá dịch vụ y tế duy trì ở mức thấp như hai năm 2020 và 2021 do Chính phủ quyết tâm thực thi chính sách bình ổn giá cả hàng hóa thì lạm phát giá tiêu dùng trong năm ở mức khoảng 3,0%.

2 kịch bản lạm phát năm 2022 của BSC (Ảnh: BSC)

2 kịch bản lạm phát năm 2022 của BSC (Ảnh: BSC)

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.