Gian hàng quốc gia Việt Nam đầu tiên có mặt trên sàn thương mại điện tử quốc tế

KInh tế số Việt nAM
17:21 - 30/11/2021
Gian hàng quốc gia Việt Nam đầu tiên có mặt trên sàn thương mại điện tử quốc tế
0:00 / 0:00
0:00
Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên nền tảng thương mại điện tử của JD.com sẽ được xây dựng nhằm hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Tập đoàn JD (Trung Quốc) và các đối tác vận hành tại Việt Nam bao gồm: VinaNutrifood, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post), VPBank, Visa hợp tác xây dựng và phát triển “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên nền tảng thương mại điện tử của JD, hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Thông tin được đưa ra trong cuộc họp báo công bố chương trình "Gian hàng quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử JD.com do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức ngày 30/11

JD.com có thể xem như "gã khổng lồ" thương mại điện tử tại Trung Quốc. Doanh thu tại JD.com đạt 31,57 tỷ USD trong quý I/ 2021, tăng 39% so với cùng kỳ.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đây sẽ là không gian hàng hoá Việt đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung do Cơ quan phía Việt Nam (Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) chủ trì triển khai qua phương thức thông thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thông qua kênh này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình.

Cục sẽ hướng dẫn doanh nghiệp phân phối theo đúng quy định sàn thương mại điện tử và của pháp luật tại nước nhập khẩu, tìm kiếm các nguồn lực từ đối tác để quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo mô hình B2B2C.

Hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới là kênh nhanh nhất để kết nối trực tiếp doanh nghiệp với khách hàng, là sự hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống. Phương thức này giúp giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, mặt khác giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối, giúp phát triển và duy trì thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu.

Với mục tiêu hỗ trợ phát triển và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt ra thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới một cách hiệu quả hơn, ngoài việc mở gian hàng trên JD.com, Bộ Công thương khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác như: Amazon, Alibaba… để hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, đào tạo các kỹ năng cần thiết để tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới như mở gian hàng, thực hiện các đơn hàng, khâu logistics, quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo số liệu của Trung Quốc, xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 đạt 1,69 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 31,1%.

Tại thị trường EU, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ Euro, và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.

Tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (27,4%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020).

Doanh thu thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp