Ảnh minh họa tàu cao tốc tại Đức. |
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 23 ngày 3/2/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và 2030 gồm 20 chỉ tiêu (10 chỉ tiêu phát triển kinh tế; 5 chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội; 5 chỉ tiêu phát triển đô thị).
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố giao kế hoạch cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã. Trong đó, về hạ tầng, yêu cầu Sở Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh, nhất là sớm hoàn thành các tuyến metro tại Thủ đô.
Mục tiêu đến năm 2027 phải hoàn thành tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, mở rộng quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Đến năm 2030, hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm, các tuyến còn lại của vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh), tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tuyến vành đai phía Đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Thạch Lỗi); cải tạo các tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, nạo vét luồng lạch tại các điểm nghẽn hạ tầng trên sông Hồng.
Về phát triển bền vững hệ thống đô thị, giao Sở Xây dựng tham mưu, xây dựng đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.
Triển khai đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở trong khu công nghiệp cho người lao động; nghiên cứu, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) được giao nhiệm vụ chủ trì, tham mưu các giải pháp thực hiện di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ vào tháng 2/2019, dự án này đi qua 20 tỉnh, là đường đôi, khổ 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD.
Tháng 2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 49-KL/TW với định hướng đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (gồm đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang); trước năm 2045, hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo báo cáo tiền khả thi dự án, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu 2 phương án đầu tư tuyến đường sắt này gồm:
Phương án 1 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435mm (hiện là khổ đơn 1.000mm) để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180km/h, tàu hàng tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 42 tỷ USD.
Phương án 2 là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.