Hải Dương định hướng có 6 trung tâm logistics và một khu kinh tế chuyên biệt

logistics Hải Dương
18:31 - 20/07/2023
Hải Dương định hướng có 6 trung tâm logistics và một khu kinh tế chuyên biệt
0:00 / 0:00
0:00
Định hướng giai đoạn 2021 - 2030, Hải Dương có 6 trung tâm logistics và phát triển một khu kinh tế chuyên biệt tích hợp chuỗi liên kết cung ứng sâu rộng tạo động lực kết nối kinh tế, trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ…

Sáng 20/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng có bài tham luận về xây dựng Hải Dương trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu cần sau cảng ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng. Ảnh: VGP

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, địa phương xác định phát triển “công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là 1 trong 5 trụ cột, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương”.

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Hải Dương chủ yếu trong 3 lĩnh vực: cơ khí chế tạo; điện - điện tử; dệt may - da giày. Toàn tỉnh hiện có trên 170 cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 đạt khoảng 13,25%/năm, chiếm tỷ trọng 20,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tham luận tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tham luận tại hội nghị.

Trên địa bàn Hải Dương hiện chưa hình thành trung tâm logistics lớn. Các hoạt động cung cấp dịch vụ logistics như xếp dỡ, vận chuyển, lưu kho tạm thời, gom và chia hàng lẻ, sửa chữa bảo dưỡng container… được thực hiện tại cảng cạn (ICD) tại quốc lộ 5, với quy mô diện tích 12 ha. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp FDI cũng cung cấp các dịch vụ giao nhận và lưu trữ hàng hoá.

Tuy nhiên, dịch vụ của các đơn vị này còn đơn lẻ, chưa có tính tích hợp cao, hầu hết là những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các công ty logistics ở nước ngoài; chưa có doanh nghiệp điều hành toàn bộ các loại hình dịch vụ logistics…

Cũng theo ông Triệu Thế Hùng, trong định hướng giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hải Dương có 33 khu công nghiệp với tổng quy mô là 5.661 ha, 61 cụm công nghiệp với tổng quy mô là 3.209 ha, 6 trung tâm logistics và phát triển một khu kinh tế chuyên biệt nằm ở phía Nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc hai huyện Bình Giang và Thanh Miện.

Khu kinh tế chuyên biệt sẽ tích hợp chuỗi liên kết cung ứng sâu rộng tạo động lực kết nối kinh tế, trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ và đổi mới sáng tạo, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng.

Đây là những lợi thế của Hải Dương để phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu cần sau cảng. Để thực hiện mục tiêu, tỉnh Hải Dương đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: Tập trung triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh, trình phê duyệt quy hoạch và tập trung triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các trung tâm dịch vụ logistics, các phân vùng phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương và của vùng đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền triển khai các nhiệm vụ trong việc liên kết, kết nối khu vực để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics. Rà soát các phương án kết nối, tập trung nguồn lực đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các địa phương giáp ranh, kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh với các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hàng không…

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sớm có kế hoạch nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và triển khai Ga liên vận quốc tế tại Cẩm Giàng.

Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và các bộ, ngành quan tâm giới thiệu các các nhà đầu tư lớn có năng lực và kinh nghiệm để khảo sát, phát triển trung tâm logistics tại tỉnh Hải Dương, nhất là khu vực các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Thanh Hà nhằm khai thác lợi thế nút giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Trung tâm logistics tại thị xã Kinh Môn để khai thác lợi thế kết nối với quốc lộ 5 và kết nối với sông Cấm ra cảng biển Hải Phòng...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.