Hải Dương tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng

KT-XH Hải Dương
17:30 - 13/07/2023
Hải Dương tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 13/7, ông Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã phát biểu tiếp thu và giải trình tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, tại kỳ họp này, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023; giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2023.

Đồng thời, báo cáo về hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiều nội dung quan trọng khác. Các báo cáo của UBND tỉnh đã được các Ban của HĐND tỉnh thẩm tra và các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận kỹ lưỡng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tiếp thu tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVII.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tiếp thu tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVII.

GRDP trên địa bàn tỉnh tăng 7,23%

Để làm rõ một số nội dung trình tại kỳ họp và giải trình những vấn đề đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương báo cáo một số kết quả nổi bật trong tình hình 6 tháng đầu năm 2023.

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,23% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 15/63 cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt gần 10.000 tỷ đồng, đạt gần 57% dự toán năm.

Thu hút đầu tư trong nước đạt 3.367 tỷ đồng, tăng gấp 13,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 223 triệu USD, số dự án cấp mới tăng 6,34 lần so với cùng kỳ.

Về công tác quy hoạch được quan tâm, chú trọng. Xác định tầm quan trọng của Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, thường xuyên rà soát và từng bước hoàn thiện Quy hoạch tỉnh trên cơ sở tích hợp các lĩnh vực, chuyên ngành để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hải Dương tập trung triển khai hạ tầng giao thông theo 4 trục có tính kết nối liên vùng và các nút giao quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Về lĩnh vực giáo dục, đã sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương để phát huy thế mạnh của hai nhà trường, tinh gọn đầu mối và xây dựng trở thành trường đại học đào tạo đa ngành, trọng điểm của tỉnh Hải Dương và khu vực.

Trong 6 tháng đầu năm, Hải Dương đón gần 920.000 lượt khách tăng 143% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung đầu tư cho điểm đến, có sự liên kết giữa các điểm đến và doanh nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ được nâng cao, góp phần từng bước thu hút và giữ chân du khách.

Bên cạnh đó, thành phố Hải Dương đã khai trương tuyến phố đi bộ được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đồng tình ủng hộ; góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Về công tác quốc phòng, an ninh, Hải Dương triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử - Đề án 06 (đến ngày 22/5/2023, đã hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp Căn cước công dân đủ điều kiện)…

Quang cảnh kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nhận thấy còn những hạn chế, khuyết điểm. Đó là, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu còn thấp so với kế hoạch đề ra; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với tổng vốn được phân bổ; thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài tuy có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng so với các tỉnh, thành khác trong khu vực vẫn còn khiêm tốn.

Một số khoản thu đạt thấp, nguồn thu mới phát sinh tăng không cao. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó. Việc tính giá đất đã được đẩy mạnh nhưng vẫn còn nhiều dự án tồn đọng. Việc triển khai các nhiệm vụ trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, mua sắm vật tư y tế còn chưa đạt tiến độ đề ra.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân chủ quan, khách quan như đã được nêu trong báo cáo và được các đại biểu thảo luận thẳng thắn chỉ ra. Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nghiêm túc tiếp thu và sẽ tập trung chỉ đạo, có giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh

Nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề của nhiệm kỳ 2020 - 2025, có nhiều điểm mang tính chất quyết định đến sự phát triển của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng khẳng định sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền. Tiếp tục triển khai việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Tích cực triển khai thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ.

Triển khai, thực hiện tốt nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh theo Thông báo số 105/TB-VP ngày 31/3/2023 của Văn phòng Chính phủ; Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 3 địa phương: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Hải Dương sẽ tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông.

Hải Dương sẽ tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông.

Đồng thời, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Triển khai các nội dung hợp tác, liên kết giữa các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội. Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI 2023, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bộ chỉ số DDCI Hải Dương (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, cấp huyện).

Tập trung kiểm tra, đôn đốc tiến độ các công trình dự án, đặc biệt các công trình trọng điểm, các công trình, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm giải ngân theo đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đổi mới trong xúc tiến thương mại, tư vấn và xúc tiến thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá. Tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và đơn vị tư vấn để chỉnh sửa, hoàn thiện Hồ sơ Quần thể di tích danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Cùng với đó, tiếp tục phát triển toàn diện, đồng bộ và gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội…

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.