Hàn Quốc tiếp tục là nước có nhiều doanh nghiệp FDI nhất tại Việt Nam

FDI Việt nAM
09:09 - 28/04/2022
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài năm 2022. Ảnh: VGP.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài năm 2022. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Trong tổng số 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2021, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số lượng doanh nghiệp lớn nhất. Các doanh nghiệp FDI này đang khẳng định niềm tin vào Việt Nam với gần 48% mở rộng sản xuất trong 2022.

Kết quả điều tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong Báo cáo khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021) công bố ngày 27/4 cho thấy, cơ cấu phân bố doanh nghiệp FDI theo xuất xứ nhà đầu tư trong Điều tra PCI-FDI tương đối ổn định trong 5 năm trở lại đây, nhất là trong nhóm 5 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Trong số 46 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà đầu tư FDI phản hồi Điều tra PCI-FDI 2021, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số lượng doanh nghiệp dẫn đầu với 399 doanh nghiệp, tiếp đến là Nhật Bản với 250 doanh nghiệp. Đứng thứ ba là Trung Quốc với 126 doanh nghiệp. Dù có giảm so với các năm trước, Đài Loan tiếp tục là vùng lãnh thổ có số lượng đáng kể nhà đầu tư tại Việt Nam, với 113 doanh nghiệp và đứng thứ tư.

Các nhà đầu tư tới từ Singapore, một quốc gia láng giềng Đông Nam Á của Việt Nam, cũng đang đứng ở vị trí số năm trong thống kê này. Ngoài ra, trong mẫu điều tra PCI-FDI 2021 tiếp tục có sự hiện diện của các nhà đầu tư từ Mỹ, Malaysia, Đức, Anh, Thái Lan, Pháp, Canada và Australia.

Trong số 22 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp FDI tham gia Điều tra PCI-FDI 2021, 3 tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô cao nhất là Hà Nam (65,4%), Quảng Ninh (65%) và Hải Phòng (60%). Vùng miền núi phía Bắc có hai đại diện trong top 5 tỉnh/thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự định mở rộng quy mô cao nhất, bao gồm Thái Nguyên (59,3%) và Bắc Giang (58,1%).

Đáng lưu ý, một số địa phương tập trung số lượng lớn doanh nghiệp FDI lại có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh thấp hơn mức trung bình cả nước, như Hà Nội (46,1%), Bình Dương (45,9%), TP HCM (44,6%) và Bắc Ninh (44,1%). Một số địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô thấp hơn đáng kể so với mức chung có Bình Phước (21,4%) và Đà Nẵng (34,4%).

Doanh nghiệp FDI báo lãi thấp nhất trong 10 năm qua

Báo cáo PCI 2021 cũng cho thấy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam năm qua có sự suy giảm so với các năm trước đó. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi năm 2021 là 38,72%, thấp nhất trong 10 năm qua. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ có mức cao nhất kể từ năm 2012 với 47,9% doanh nghiệp báo lỗ, nhích nhẹ từ con số 47,1% của năm 2020.

Chỉ 7,8% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư trong năm 2021, là năm thứ hai liên tiếp dừng ở mức độ tăng 1 con số. Dù vậy, vẫn có 50,6% doanh nghiệp tăng quy mô lao động trong năm 2021. Những con số này phần nào cho thấy dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Dù chịu những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn có niềm tin kinh doanh vững chắc tại Việt Nam. Sau sự sụt giảm đáng kể vào năm 2020, khi chỉ có 40,8% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo thì đến năm 2021 con số này đã nhích lên 48%. Sự lạc quan trở lại của các doanh nghiệp FDI được quan sát thấy ở hầu hết các ngành nghề, dù là doanh nghiệp định hướng thị trường xuất khẩu hay thị trường nội địa.

Tại lễ công bố chỉ số PCI 2021, đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI qua khảo sát, TS. Edmund Malesky, Đại học Duke (Mỹ) cho rằng, 2021 là một năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam và áp lực với không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp FDI.

Ảnh tác giả

“Dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, trên thực tế cách hiểu và áp dụng quy định phòng chống dịch khác nhau, đôi lúc cực đoan, ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bị gia tăng gánh nặng chi phí tuân thủ trong quá trình hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật là 60,6%, tăng vọt so với con số 32,9% của năm 2020”.

TS. Edmund Malesky, Đại học Duke

Cũng theo lời vị chuyên gia này, gánh nặng tuân thủ quy định của các doanh nghiệp FDI đã tăng lên trong năm 2021 nhưng không quá nghiêm trọng do quá trình giãn cách xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, mức độ thanh kiểm tra đã giảm đi giúp giảm các chi phí không chính thức. Các chi phí này cũng dễ dự đoán hơn trong quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy các chính sách chống tham nhũng hiệu quả.

Với góc nhìn của của trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo PCI 2021, TS. Edmund Malesky khuyến nghị, các doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu sẽ cần nhiều nguồn lực hơn để sử dụng. Họ có thể được hỗ trợ tốt hơn bằng các chính sách nới lỏng nhập cảnh du lịch/thương mại, song đồng thời phải đảm bảo mở cửa quốc tế an toàn thông qua yêu cầu tiêm đủ vaccine và xét nghiệm nhanh.

“Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI hướng đến thị trường nội địa cần được hỗ trợ nhiều hơn bằng các quy định phòng dịch phù hợp hơn, nhất là tại các cụm công nghiệp nơi nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động”, ông Edmund Malesky nhấn mạnh.

Thay đổi cơ cấu khách hàng do COVID-19

Một trong những nội dung khác được phản ánh từ Điều tra PCI-FDI 2021 cho thấy các doanh nghiệp tư nhân trong nước tiếp tục là nhóm nhà cung cấp được doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều hơn cả (52,4%). Điều này chỉ ra các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang tăng cường kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn là một mục tiêu quan trọng của chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng nhà cung cấp từ nước xuất xứ (38,3%), hoặc nước thứ ba (22,6%) trong năm 2021 đều giảm so với năm 2020 và 2019. Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ tình trạng ngưng trệ chuỗi cung ứng, khi các doanh nghiệp FDI phải chờ đợi rất lâu để tiếp cận các hàng hóa, nguyên vật liệu trung gian bị mắc kẹt do thiếu phương tiện vận chuyển và tắc nghẽn tại cảng.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cung ứng cho doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam giảm đáng kể từ 9,2% năm 2020 xuống còn 5,2% năm 2021. Nhóm khách hàng chính của doanh nghiệp FDI vẫn là các doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ 48,4%, mặc dù có giảm so với năm trước. Khoảng 32,8% doanh nghiệp FDI cung ứng sản phẩm và dịch vụ của mình cho doanh nghiệp tư nhân trong nước và 13,1% cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng Việt Nam.

Sự sụt giảm mạnh này cho thấy đại dịch COVID-19 có thể đã làm thay đổi cơ cấu khách hàng của doanh nghiệp FDI trong năm 2021 so với năm 2020. Tỷ trọng khách hàng tại Việt Nam và xuất khẩu trở về nước xuất xứ giảm, trong khi có sự gia tăng đáng kể tỷ trọng xuất khẩu sang nước thứ ba.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.