Hai tỉnh vùng Đông Bắc chia nhau 'thống trị' chỉ số PCI 2021

quảng ninh PCI 2021
15:07 - 27/04/2022
Trao chứng nhận cho các tỉnh/thành nằm trong Top 10 PCI 2021. Ảnh: Quách Sơn
Trao chứng nhận cho các tỉnh/thành nằm trong Top 10 PCI 2021. Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021 gặp nhiều khó khăn do COVID-19, nhưng các chính quyền địa phương đã có sự hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó Quảng Ninh và Hải Phòng giữ vị trí số 1 và số 2 trong Top 10 bảng xếp hạng PCI 2021.

Chỉ số hữu ích cho các nhà đầu tư

PCI là chỉ số khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã duy trì gần 2 thập kỷ, thực hiện vai trò đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp ở cấp địa phương. Tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021) ngày 27/4, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI chia sẻ, khảo sát PCI 2021 được thực hiện khi doanh nghiệp cả nước phải gồng mình chống chịu những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.

Trong bối cảnh đó, sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền địa phương đã đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp “vượt bão” COVID-19, chủ động thích ứng để tồn tại qua đại dịch. “Năm 2022 có thể vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những cánh én mùa xuân đã về. Nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang bước vào cuộc sống bình thường mới sau khi kiên cường vươn lên từ khó khăn do dịch bệnh”, ông Công đánh giá.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong quý I vẫn đạt mức cao nhất giai đoạn từ 2018 đến 2022. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 12,9%.

Trong bối cảnh đó, việc công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế. Qua đó, vai trò của tỉnh, thành phố cũng thể hiện rõ qua việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi kinh tế trong năm nay mà còn cả những năm về sau.

Trong khi đó, từ góc nhìn của đơn vị phối hợp thực hiện PCI 2021, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper đánh giá báo cáo năm nay cũng đã phân tích được các tác động của COVID-19 đối với các doanh nghiệp. Điều này giúp chỉ số PCI trở thành công cụ hữu ích cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu thị trường Việt Nam.

Nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh

Thông tin cụ thể về kết quả khảo sát PCI 2021, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI cho biết, Quảng Ninh là tỉnh tiếp tục giữ ngôi vị “quán quân” trong bảng xếp hạng 5 năm liên tiếp.

Ông Tuấn cũng đánh về giá sự "trỗi dậy" của khu vực Đông Bắc khi vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng thuộc về Hải Phòng, địa phương đã có sự vươn lên mạnh mẽ trong Top 10 tỉnh/thành đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021. Trong danh sách này có hai thành phố trực thuộc trung ương khác là Hà Nội và Đà Nẵng.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy, các doanh nghiệp đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam theo hướng tích cực hơn, đặc biệt là ở cấp độ địa phương. Có những chỉ tiêu đạt kết quả rất cao như chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, cấp phép xây dựng.

Cụ thể, 85,6% doanh nghiệp nhận thấy các UBND tỉnh đã vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; 74% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “khi quy định của Trung ương chưa rõ ràng, UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”; 62% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, một nét nổi bật của PCI 2021 cũng được ông Tuấn chỉ ra là chi phí không chính thức đã giảm mạnh không chỉ về tần suất và cả quy mô. Trong đó, chi phí cho cán bộ thanh, kiểm tra giảm từ 27,7% (2020) xuống còn 20,9% (2021); chi phí không chính thức đấu thầu giảm từ 40% xuống 36,8%; chi phí tiêu cực giảm từ 23% xuống 21,4%. Đây là kết quả của chiến dịch phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã tiến hành.

Một số thủ tục hành chính còn gây phiền hà

Bên cạnh những chỉ số được cải thiện, báo cáo khảo sát PCI 2021 cũng cho thấy các doanh nghiệp vẫn vướng phải nhiều trở ngại bởi một số thủ tục hành chính chưa được cải thiện. Trong đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, chi phí không chính thức tuy đã giảm nhưng vẫn là một thách thức lớn ở một số địa phương, khi 57,4% doanh nghiệp trong điều tra PCI cho rằng tồn tại hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chỉ số trên cho thấy dư địa cho những cải cách này của các tỉnh/thành phố vẫn còn rộng. Ngoài ra, chỉ tiêu về hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cũng được ghi nhận có cải thiện nhưng vẫn cần thêm nhiều nỗ lực. Trong khi chất lượng thủ tục hành chính có cải thiện rõ rệt ở khâu cán bộ Nhà nước đã giải quyết công việc hiệu quả hơn, thì một số thủ tục hành chính về thuế, phí, đất đai, xây dựng lại bị đánh giá phiền hà hơn so với 2020.

Dữ liệu PCI 2021 cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục giảm gánh nặng tuân thủ với các thủ tục kinh doanh có điều kiện cho doanh nghiệp. Chỉ có 38,9% doanh nghiệp không gặp khó khăn gì trong việc thực hiện thủ tục này. Dù có những bước tiến, nhưng vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp chưa hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính này.

Ông Tuấn cũng chỉ ra, kết quả thực hiện luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tỉnh/thành phố còn khá khiêm tốn. Hầu hết các doanh nghiệp đều phản hồi mới chỉ nhận hỗ trợ từ các chương trình dưới 8%: tiếp cận quỹ bảo lãnh tín dụng nhỏ và vừa, tư vấn hỗ trợ xây dựng phương án kinh doanh, miễn giảm chi phí tư vấn pháp luật…

Trước những khó khăn do COVID-19 gây ra, Giám đốc Dự án PCI chia sẻ, chỉ có 34% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới và có đến 16,59% doanh nghiệp báo cáo dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa. “Đây là mức cao nhất trong lịch sử 17 năm tiến hành khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, ông Tuấn nhận định.

Khảo sát PCI 2021 đã thu thập được phản hồi từ hơn 11.300 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.200 doanh nghiệp FDI.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.