Hậu Giang kêu gọi đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng vào nông nghiệp

NÔNG NGHIỆP Hậu Giang
15:50 - 16/07/2022
Hậu Giang kêu gọi đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng vào nông nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
Với 22 dự án định triển khai, trong đó bao gồm 21 dự án trọng tâm và 1 dự án tiềm năng, tỉnh Hậu Giang đang kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng số tiền lên tới hơn 5.000 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, chiều 15/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp”.

Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết đang kêu gọi đầu tư 22 dự án nông nghiệp với tổng diện tích dành cho các dự án này là trên 24.400 ha.

Hiện trên địa bàn Hậu Giang đang có 11 dự án nông nghiệp được triển khai, phê duyệt tại Quyết định số 660/QĐ-UBND, số 651/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Trong tổng số 22 dự án, có 7 dự án đầu tư vào Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở thị xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Đây là nơi được đầu tư hạ tầng, phục vụ phát triển công nghệ cao. 15 dự án còn lại nằm ở các khu, cụm công nghiệp phục vụ chế biến, vị trí gần vùng nguyên liệu, giao thông thuận lợi.

Trong đó, có các dự án quy mô lớn như dự án Sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thông minh, lúa hữu cơ, quy mô hơn 120 ha tại thuộc khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn hơn 964 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có dự án Nuôi trồng thủy sản các loại (hơn 74ha) thuộc khu nông nghiệp công nghệ cao với hơn 593 tỷ đồng. Dự án hợp tác liên kết sản xuất lúa, gạo theo hướng hữu cơ gắn với chế biến xuất khẩu gạo và xây dựng cánh đồng lớn (20.000ha, mỗi cánh đồng lớn 300ha), các vùng sản xuất lúa chất lượng cao trọng điểm của tỉnh Huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, vốn 500 tỷ đồng...

Những doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp trên sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước. Đồng thời sẽ được hỗ trợ tập trung đất đai; được tiếp cận, hỗ trợ lãi suất; chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường...

Thời gian qua, Hậu Giang đã tích cực đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến, chế biến sâu nông sản… Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh, thành phố khác, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh còn yếu.

Theo Sở NN&PTNT, Hậu Giang hiện chỉ có 5 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau, củ, quả với tổng công suất khoảng 1.900 tấn sản phẩm/tháng. So với tiềm năng nông nghiệp của tỉnh, con số này được đánh giá còn rất nhỏ.

Trong khi đó, TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT II đánh giá, việc kết nối các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản trên vẫn chưa bền vững do nông nghiệp của Hậu Giang chủ yếu tập trung phát triển số lượng; chất lượng và giá trị sản phẩm còn thấp, tham gia vào chuỗi chế biến sâu còn yếu.

Có nhiều tiềm năng trong nông nghiệp nhưng năng lực chế biến sâu của Hậu Giang vẫn còn thấp.

Có nhiều tiềm năng trong nông nghiệp nhưng năng lực chế biến sâu của Hậu Giang vẫn còn thấp.

Dù vậy, bên cạnh những khó khăn, vẫn còn những lợi thế đối với ngành nông nghiệp của Hậu Giang. Cụ thể, về địa lý, theo Sở NN&PTNT, tỉnh có điều kiện địa lý thuận lợi khi nằm tại trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kề cận với TP Cần Thơ, điều này giúp cho việc giao lưu, mở rộng, nâng cao trình độ khoa kỹ thuật trong việc phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Hậu Giang hiện cũng có hệ thống cảng, xuất nhập khẩu hàng hóa đi nội địa và quốc tế, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 20.000 tấn (DWT), cách cảng hàng không quốc tế Cần Thơ không quá 20km. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp của Hậu Giang xâm nhập vào các vùng trong nước cũng như xuất khẩu sang các quốc gia khác nhiều hơn.

Mặt khác, với vị trí trung tâm của tiểu vùng Tây Nam sông Hậu và tiểu vùng bắc bán đảo Cà Mau, nằm giữa tứ giác tăng trưởng TP.Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang - An Giang, tỉnh Hậu Giang sẽ có vai trò trung tâm giao lưu kinh tế, có ý nghĩa quyết định trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Về chính sách, hiện tỉnh được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ đối với địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (ngoại trừ TP Vị Thanh).

Phía tỉnh mới đây cũng đã ban hành chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, quy định chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn đưa ra chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Về kế hoạch dài hơi phát triển nông sản Hậu Giang và thu hút đầu tư, ông Toản cho biết tỉnh cần xây dựng dây chuyền chế biến bảo quản nông sản cho các hợp tác xã. Đồng thời tận dụng khoa học công nghệ cho các dự án về sơ chế, bảo quản.

Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, phát triển, thực hiện cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cũng được đánh giá quan trọng. Qua đó tạo tiền đề vững chắc cho các mặt nông sản của tỉnh có đủ khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.