Hiệp hội Dệt may kiến nghị: Cho phép doanh nghiệp làm thêm giờ và giảm chi phí logistic

Dệt May Việt nAM
13:11 - 11/12/2021
Hiệp hội Dệt may kiến nghị: Cho phép doanh nghiệp làm thêm giờ và giảm chi phí logistic
0:00 / 0:00
0:00
Trong giai đoạn khôi phục sản xuất sau dịch, ngành dệt may mong muốn được giảm chi phí logistics, giải quyết vấn đề thiếu container rỗng và cho phép nới khung khống chế số giờ làm thêm do xuất khẩu đang có xu hướng tăng trưởng cao.

Tiến độ khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp ngành dệt may đến nay đã đạt 90%, tiếp tục tham gia vào hoạt động sản xuất và giữ vai trò là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas)

Tại Hội thảo "Giải pháp tiết kiệm chi phí logistic cho doanh nghiệp dệt may" ngày 10/12, các đại diện từ Hiệp hội dệt may Việt Nam và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã nêu ra hàng loạt đề xuất và giải pháp nhằm kết nối chuỗi cung ứng sản xuất cho ngành dệt may, tạo cơ hội tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Doanh nghiệp dệt may khi làn sóng COVID-19 đổ bộ Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas, quý III/2021 là thời gian "cực kỳ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may" do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Trong giai đoạn cao điểm của đợt dịch thứ 4, rất nhiều doanh nghiệp phía Nam (chiếm hơn 50% năng lực sản xuất của ngành dệt may) phải tạm ngừng sản xuất hoặc bố trí sản xuất cầm chừng theo phương án 3 tại chỗ hoặc cung đường 2 điểm đến.

Khi đó, các doanh nghiệp chỉ hoạt động được 30% năng lực sản xuất dẫn tới việc bị chậm hoặc phải hủy bỏ các đơn hàng quá thời hạn, gây nên mất chuỗi cung ứng. Đặc biệt, những đơn hàng thuộc về mùa vụ phải chuyển đi nơi khác sản xuất làm giảm sản lượng của các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu logistics. Từ đợt trước tháng 10, nhiều cảng, biển bị hạn chế bởi lệnh giãn cách dẫn tới việc giao thương hàng hóa gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó là khó khăn đến từ việc thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu trong khi chi phí cước tàu biển liên tục "phi mã", tăng gấp 2, 3 lần so với thời gian đây.

Ngành dệt may Việt Nam khôi phục trở lại sau thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19

Ngành dệt may Việt Nam khôi phục trở lại sau thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất phải kể đến là việc thiếu lao động. Khi dịch bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, phần lớn doanh nghiệp phải đóng cửa, dự tính mất khoảng 60-70% lao động do không đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ. Trong đó, có khoảng 1 triệu lao động dệt may phải nghỉ việc hoặc nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

"Trong thời gian giãn cách, hiện tượng thiếu lực lượng bốc xếp ngoài cảng cũng gây chậm trễ quy trình xuất nhập hàng hóa, các hạn chế di chuyển cũng làm cho nhiều công ty thiếu nhân viên đi lại, dẫn tới chậm hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu, chứng từ cho khách hàng", bà Mai chia sẻ.

Ảnh tác giả

"Trước đây chúng ta chống dịch theo phương thức Zero Covid, nhưng sau đó Chính phủ đã khắc phục tình trạng tiêm vaccine cho người lao động và toàn dân, đặc biệt ở TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng đỏ. Sau tháng 10, khi Chính phủ chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128 - thích ứng an toàn linh hoạt với dịch, chính sách đó đã giúp sản xuất khôi phục trở lại bình thường, doanh nghiệp đã xây dựng phương án sản xuất an toàn và tăng tốc điều chỉnh để thực hiện kế hoạch hoàn thành trước khi hết năm 2021"

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam

Dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may năm 2022

Về xuất khẩu, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam đạt gần 39 tỷ USD. Năm 2020 ảnh hưởng của COVID-19 trên toàn cầu đã kéo con số này xuống chỉ còn hơn 35 tỷ USD.

"Năm 2021, với tình hình dịch bệnh căng thẳng tại khu vực kinh tế phía Nam, tưởng rằng ngành dệt may sẽ khó lòng đạt được mức kim ngạch xuất khẩu của năm 2019, nhưng chỉ trong 2 tháng khôi phục vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành 11 tháng đầu năm ước đạt 35,68 tỷ USD, tăng 12,73% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2019", bà Mai cho biết.

Riêng trong tháng 11 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 3,37 tỷ USD, tăng gần 2,5% so với tháng trước.

Vitas dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 sẽ đạt 39 tỷ USD, con số mà Phó Tổng thư ký của Vitas mô tả như "một nỗ lực rất tuyệt vời mà Hiệp hội trân trọng. Sự đóng góp của người lao động đối với ngành dệt may trong bối cảnh phục hồi kinh tế trên thế giới có xu hướng giảm, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tham gia sản xuất đều".

"Nếu tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, ngành dệt may Việt Nam sẽ phấn đấu đạt từ 42 đến 43 tỷ trong năm 2022", bà Tuyết Mai đánh giá.

Xuất khẩu có thể tăng trưởng nhưng cần những giải pháp về chi phí logistic

"Nếu vấn đề logistics mà không được giải quyết thì doanh nghiệp sẽ không được hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU)", bà Mai nhận định.

Tỷ trọng cơ cấu xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt cao nhất khoảng 41%; vào thị trường CPTPP đạt 13,1% và Trung quốc đạt 11,4%...

Phó Tổng thư ký Vitas Nguyễn Thị Tuyết Mai: Chi phí logistics đang là gánh nặng

Phó Tổng thư ký Vitas Nguyễn Thị Tuyết Mai: Chi phí logistics đang là gánh nặng

Bà Tuyết Mai đánh giá, mặc dù Việt Nam đã ký kết được nhiều FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP… mang lại lợi thế rất lớn cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu tới các thị trường quan trọng, tuy nhiên chi phí logistics lại đang trở thành gánh nặng, thậm chí là rào cản khiến cho doanh nghiệp khó tận dụng triệt để lợi thế từ các FTA này.

Do đó, để giảm chi phí logistics, với các cảng biển nơi xuất hàng ra nước ngoài, đặc biệt là những cảng như Hải Phòng, TP.HCM, Vitas mong muốn được dừng thu phí cảng biển cho đến 31/12 và giảm 50% phí cảng biển trong năm 2022 với cảng Hải Phòng và hoãn áp dụng thu phí cảng biển đến hết năm 2022 đối với cảng TP.HCM.

Bà Mai cũng đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp như tạo kế hoạch chi tiết, sử dụng nhà cung cấp đa nhiệm, có kế hoạch dự phòng, vận hành tinh gọn, chỉ sử dụng một nền tảng quản lý và xem xét các dịch vụ thuê ngoài.

Cùng thảo luận về vấn đề này, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing của Tổng Công ty Tân cảng Sài gòn (SNP) cho biết, trong năm 2020, dệt may là một trong những ngành có sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng của SNP lớn nhất, khẳng định tầm quan trọng của dệt may trong sự phát triển của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Theo ông Lộc, sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đang được khôi phục tích cực. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại của ngành hàng hải thế giới vẫn chưa được khắc phục như thiếu container rỗng, thiếu chỗ trên tàu, kẹt cảng… Điều này mang lại những thách thức cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo hoàn thành đơn hàng, lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu cũng như giữ vững vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trước tình trạng cước tàu tăng, khan hiếm thùng container rỗng

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trước tình trạng cước tàu tăng, khan hiếm thùng container rỗng

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó giám đốc Marketing của SNP cho biết, mới đây, SNP đã thực hiện khảo sát với 50 doanh nghiệp dệt may lớn, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn với tình trạng cước tàu tăng và khan hiếm container rỗng.

Năm 2022, có 64% doanh nghiệp dự báo sản lượng sẽ tăng 10-30% so với năm 2021, 26% doanh nghiệp dự báo sản lượng sẽ ở mức tương đương hoặc tăng nhẹ 5%, số còn lại đưa ra dự báo giảm.

Từ kết quả khảo sát này, SNP đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí logistics. Theo đó, SNP có giải pháp kết nối cơ sở ICD Tân cảng Long Bình và ICD Tân cảng Nhơn Trạch với khu vực Cái Mép. Trong đó, với giải pháp kết nối ICD Tân cảng Long Bình với khu vực cảng Cái Mép, hiện có 3 hãng tàu hạ container rỗng tại đây là Hapag Lloyd, Cosco và Yangming.

Ngoài ra, SNP cũng triển khai giải pháp khai thác và quản lý kho hàng theo chuỗi cung ứng với hệ thống kho hiện đại đáp ứng được các tiêu chuẩn cho mặt hàng dệt may, có phần mềm quản lý hiện đại… Các ICD có thể triển khai quản lý đơn hàng và phân phối đơn hàng đến tận nhà máy theo yêu cầu của khách hàng.

Vitas đề xuất nới khung khống chế số giờ làm thêm

Kiến nghị Chính phủ tạo ra các cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu dệt may ngày càng phát triển, đại diện của Vitas mong muốn Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm nghiên cứu ban hành Nghị quyết không khống chế giờ làm thêm theo tháng, cho phép các doanh nghiệp dệt may được phép không quá 400 giờ/năm từ mức khống chế hiện tại là không được làm quá 300 giờ/năm.

"Với tình hình hiện tại, chúng ta phải chạy đua trong quý IV để kịp tiến độ, Hiệp hội Vitas mong muốn các doanh nghiệp được làm thêm và sẽ đảm bảo không quá 400giờ/ năm", bà Mai đề xuất.

Về lâu dài, Hiệp hội đề nghị Bộ Công thương và Chính phủ sớm ban hành chiến lược phát triển đối với ngành dệt may Việt Nam cho đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035 để có một lộ trình rõ ràng, được sự ủng hộ của nhà nước.

Vitas cũng đề xuất sớm ban hành sửa đổi bổ sung Luật công đoàn phù hợp với Bộ Luật lao động 2019 về những vấn đề liên quan đến công đoàn phí. Theo đó, đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% về tối đa 1%. Quy định về đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, Vitas đề nghị cân nhắc tỷ lệ thấp hơn hiện tại.

Đối với các địa phương nơi các nhà máy sản xuất dệt may hoạt động, Hiệp hội Dệt may đề xuất địa phương không điều chỉnh giá thuê đất, và có thể giảm chi phí thuê đất 50% cho các doanh nghiệp, áp dụng đối với những nơi mà đã thực hiện Chỉ thị 16 cho đến hết tháng 6/2022.

Ngoài ra, Vitas kiến nghị các ngân hàng thương mại nên đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may, không hạ mức tín dụng đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID, tiếp tục giảm lãi suất vay tối thiểu 1%/ năm, giảm nợ gốc lãi vay năm 2021 và 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.