Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển vùng

Thái bình Liên kết vùng
13:16 - 30/03/2023
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc: 3 vấn đề tồn tại để phát triển vùng gồm quy hoạch; cơ chế, chính sách; thiếu hụt đầu tư về kết cấu hạ tầng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc: 3 vấn đề tồn tại để phát triển vùng gồm quy hoạch; cơ chế, chính sách; thiếu hụt đầu tư về kết cấu hạ tầng.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, cơ chế chính sách là 1 trong 3 vấn đề còn tồn tại để phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, do đó, cần hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển vùng đủ mạnh, thiết thực.

Nhận diện rõ cơ hội và thách thức cho phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” tại Thái Bình, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng.

Do vậy, việc xác định rõ cơ hội và thách thức đối với phát triển vùng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển vùng.

Trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều cơ hội, trong đó Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động của thế giới và là tâm điểm của các liên kết kinh tế quốc tế; nền kinh tế thế giới đang phát triển theo hướng xanh, sáng tạo, bền vững và bao trùm. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, “bối cảnh quốc tế mới trong nước và quốc tế kể trên đang đưa đến cơ hội đối với vùng trong việc nhanh chóng bắt nhịp và thích ứng có hiệu quả với xu thế phát triển chung của cả nước, khu vực và thế giới”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, những xu hướng phát triển mới của thế giới đặt ra yêu cầu mới về thay đổi thể chế, chính sách để bắt nhịp thời đại.

Về tiềm năng phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, vùng có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược thuận lợi, là trung tâm của sự giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng Đông Bắc với vùng Tây Bắc, giữa vùng núi phía Bắc với miền Trung, nằm sát với thị trường rộng lớn là Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á; là cầu nối giao thương và là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc và quốc tế.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Bên cạnh đó, vùng còn có Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐ Bắc Bộ), 1 trong 3 vùng động lực phát triển kinh tế của quốc gia; là nơi có 3 tuyến hành lang kinh tế đi qua, gồm hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tham gia vào tuyến Hành lang xuyên Á.

Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối của vùng thuận lợi cho việc đi lại và giao thương với hệ thống giao thông kết nối hội tụ đầy đủ tất cả 5 loại hình giao thông đồng bộ, tương đối hiện đại (đường bộ, đường sắt quốc tế, đường thủy nội địa, đường hàng không trong nước và quốc tế) và đã triển khai đầu tư thực hiện tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh - Nghệ An, bắt đầu xây dựng tuyến cao tốc Hải Phòng - Ninh Bình, cao tốc Bắc Nam phía Đông, tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Nghệ An.

3 vấn đề còn tồn tại trong phát triển liên kết vùng

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng vai trò dẫn đầu của vùng cho phát triển cũng đặt ra những thách thức đối trong bối cảnh sự phát triển của vùng còn nhiều hạn chế như quy mô kinh tế còn nhỏ; năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tham gia chưa sâu vào các chuỗi liên kết khu vực và toàn cầu.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, hiện đại và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Thể chế kinh tế thị trường còn thiếu đồng bộ, nhiều cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp với thực tiễn phát triển vùng, chậm được sửa đổi và hoàn thiện.

Công tác quy hoạch, liên kết và hợp tác phát triển vùng còn nhiều bất cập, bị chi phối bởi lợi ích riêng của từng địa phương; chưa có thể chế và cơ chế điều phối, kết nối sự phát triển trong toàn vùng…

Cũng về chủ đề, này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ thêm, vùng đã huy động được nguồn lực tương đối lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đầu tư còn dàn trải, chậm giải phóng mặt bằng, chậm chuẩn bị dự án làm ảnh hưởng tới triển khai đầu tư.

3 vấn đề tồn tại để phát triển vùng gồm quy hoạch; cơ chế, chính sách; thiếu hụt đầu tư về kết cấu hạ tầng.

Nguyên nhân có thể kể đến do nhiều dự án nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa triển khai hoặc triển khai chậm do thiếu vốn như: đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội, xây dựng nhà máy nước mặt sông Đà, tuyến đường ven biển qua 5 địa phương có biển …

Hoàn thiện thể chế thúc đẩy liên kết và phát triển vùng

Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, để xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng thì nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng cho phát triển của vùng rất cao nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, là vùng đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.

Xây dựng kết cầu hạ tầng đồng bộ và hiện đại là một nội dung quan trọng, đòi hỏi việc huy động vốn đầu tư lớn. Theo đó, cần hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn, các tuyến đường bộ kết nối, các tuyến vành đai Hà Nội, đường bộ ven biển. Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hoàn thiện hạ tầng các cảng Hải Phòng, Quảng Ninh. Hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hạ tầng cấp điện, năng lượng được yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, hạ tầng thông tin truyền thông hiện đại tương đương trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới…

Ban Điều hành Hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”.

Ban Điều hành Hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”.

Trong thời gian tới để thu hút vốn đầu tư hạ tầng vào vùng Đồng bằng Sông Hồng tạo lực đẩy phát triển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng để phát triển nhanh, bền vững.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới; tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển vùng.

Đẩy mạnh thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đa dạng hóa các hình thức, phương thức đầu tư.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực và hình thức đầu tư, chú trọng hình thức đối tác công - tư. Ưu tiên một số lĩnh vực hạ tầng đột phá, cơ bản; bố trí nguồn lực cho các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng.

Tin liên quan

Đọc tiếp