Hoàn thiện thủ tục cuối cùng xuất khẩu nhãn Việt Nam sang Nhật Bản

Nhãn NHẬT BẢN
08:49 - 15/06/2022
Chuyên gia Nhật Bản kiểm tra chất lượng nhãn tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Thanh Sơn
Chuyên gia Nhật Bản kiểm tra chất lượng nhãn tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa thông tin về quy trình xử lý, hoàn thiện thủ tục xuất khẩu quả nhãn Việt Nam sang Nhật Bản đang ở giai đoạn cuối, hứa hẹn nhiều cơ hội tiến vào các thị trường khó tính của loại quả này.

Nhật Bản là một trong những thị trường có những những tiêu chuẩn khắt khe trong việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Việt Nam đã xuất khẩu 3 loại trái cây tươi vào thị trường này là thanh long, xoài Cát Chu và vải. Ngoài 3 loại trái cây đã được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, hiện Cục Bảo Vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang triển khai các thủ tục đàm phán để mở cửa thêm cho quả nhãn của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 6 – 13/6, đoàn chuyên gia của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam kiểm tra quá trình kiểm dịch quả nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh.

Thời gian qua Việt Nam đã đàm phán với phía Nhật Bản để mở cửa thị trường cho quả nhãn. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu được loại quả này sang Nhật, cần nhiều công đoạn công phu, đòi hỏi từng chi tiết nhỏ phải chuẩn xác theo tiêu chuẩn mà phía Nhật yêu cầu.

Số liệu thống kê của Cục Bảo Vệ thực vật cho thấy, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 117.554 tấn nhãn, trong đó trên 11.000 tấn quả nhãn tươi; 100.000 tấn long nhãn và các sản phẩm từ quả nhãn. Trong đó, nhãn tươi xuất sang 17 quốc gia trên thế giới, xuất đi thị trường Trung Quốc nhiều nhất với (khoảng 10.000 tấn), các thị trường khác gồm Mỹ, Australia, Pháp, Hong Kong, Vương quốc Anh, UAE, Myanmar, Czech, Canada, Đức, Ấn Độ, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Singapore, Thuỵ Sĩ...

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được trên 4.257 tấn nhãn, trong đó 147 tấn nhãn tươi sang Trung Quốc, Mỹ, Đức, Singapore; còn lại là long nhãn, long nhãn khô, nhãn quả khô, nhãn đông lạnh.

Nhận định về cơ hội thị trường, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, có thể kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản không phải cao ở mức lý tưởng, nhưng khi hàng hóa của Việt Nam được phía Nhật chấp thuận, nghĩa là đã vượt qua được bài kiểm tra rất khó. Việc có thể xuất khẩu thành công vào thị trường này sẽ giúp mở thêm những cánh cửa xuất khẩu mới sang các nước phát triển khác.

Nhãn Việt Nam có nhiều cơ hội tại các thị trường khó tính sau khi mở cánh cửa sang Nhật

Nhãn Việt Nam có nhiều cơ hội tại các thị trường khó tính sau khi mở cánh cửa sang Nhật

Quy trình xử lý đang hoàn tất giai đoạn cuối

Đối với quá trình mở cửa cho quả nhãn Việt Nam sang Nhật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, có nhiều biện pháp xử lý trái cây xuất khẩu khác nhau như xử lý bằng hơi nước nóng, xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide, xử lý chiếu xạ, xử lý lạnh, tuy nhiên phải căn cứ trên từng loại quả và thị trường khác nhau để cân nhắc lựa chọn phương pháp phù hợp với quy định của nước nhập khẩu và tính khả thi về mặt kỹ thuật.

Năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật đề xuất áp dụng phương pháp xử lý lạnh cho quả nhãn (tất cả các giống nhãn) và được Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chấp nhận. Phía Nhật Bản và Việt Nam đã dành nhiều tháng để xây dựng kế hoạch thực hiện thí nghiệm áp dụng phương pháp này.

Quá trình thí nghiệm gồm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn đều phải lặp lại 3 lần. Riêng giai đoạn thí nghiệm cuối cùng mỗi lần lặp lại đã cấy trên 20.000 cá thể ruồi vào 1.500 quả nhãn để kiểm chứng hiệu quả của nhiệt độ xử lý và thời gian xử lý đã được xác nhận từ các giai đoạn trước của thí nghiệm trên quy mô lớn, tương tự như quy mô xử lý thương mại.

Từng giai đoạn thí nghiệm sẽ phải gửi lại báo cáo cho phía Nhật xem xét, nếu đạt yêu cầu và được phía Nhật chấp thuận thì mới chuyển sang bước tiếp theo. Ở bước cuối cùng là giai đoạn 4 thí nghiệm trên diện rộng, chuyên gia Nhật sẽ sang và giám sát toàn bộ quy trình nuôi cấy sâu, trực tiếp lấy quả nhãn đã xử lý xác nhận hiệu quả tiêu diệt hoàn toàn ruồi đục quả của biện pháp xử lý lạnh.

Bước tiếp theo, hai bên thống nhất với nhau về điều kiện nhập khẩu để phía Nhật lấy ý kiến các bên liên quan (trong vòng 90 ngày) trước khi chính thức công bố điều kiện nhập khẩu. Sau đó, sẽ có bước kiểm tra thực địa, kiểm tra các cơ sở đóng gói, xử lý, vùng trồng, kiểm tra các quy trình kiểm dịch… để chính thức xuất khẩu.

Hiện quá trình thí nghiệm phương pháp xử lý lạnh quả nhãn đang ở giai đoạn cuối cùng, phía Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cũng đã cử 2 chuyên gia Nhật sang giám sát thí nghiệm lần cuối và hệ thống quản lý của Việt Nam từ ngày ngày 8/6. Trong thời gian ở Việt Nam, chuyên gia Nhật sẽ có 7 ngày để kiểm tra kết quả các bước trong kế hoạch thí nghiệm và các vùng trồng, cơ sở xử lý, đóng gói.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương, lợi thế của phương pháp xử lý lạnh là trang thiết bị đầu tư không quá đắt đỏ, các doanh nghiệp có mong muốn tham gia xuất khẩu đều có sẵn kho lạnh. Ngoài ra, xử lý lạnh có thể thực hiện trong quá trình vận chuyển, sẽ là một lợi thế giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và ngăn chặn nguy cơ về vấn đề dư lượng do không sử dụng hóa chất.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.