Hội An tu bổ di tích chùa Cầu 400 năm tuổi

Chùa Cầu Hội An
16:48 - 28/12/2022
Hội An tu bổ di tích chùa Cầu 400 năm tuổi
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 28/12, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã khởi công Dự án tu bổ di tích chùa Cầu. Trải qua khoảng 400 năm chịu tác động của nhiều yếu tố về thời gian, môi trường tự nhiên và con người nên di tích đang xuống cấp nghiêm trọng.

Dự án tu bổ di tích chùa Cầu có tổng mức đầu tư 20,2 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh Quảng Nam và UBND TP Hội An.

Theo đó, chùa Cầu sẽ được trùng tu các hạng mục như: Gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, khung gỗ, mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình; số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ và công tác tu bổ, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lập hồ sơ khoa học; tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật; mạng internet, hệ thống camera an ninh và nhà bao che phục vụ thi công tu bổ và bảo quản di tích.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, với tuổi đời gần 400 năm, tồn tại trong khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chịu tác động của nhiều yếu tố về thời gian, môi trường tự nhiên và con người nên di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù đã hơn 7 lần sửa chữa lớn, nhỏ, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay di tích đã ở trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm nên cần phải có giải pháp toàn diện để trùng tu cấp bách.

Lãnh đạo TP. Hội An phát biểu tại lễ khởi công dự án. Ảnh: VGP.
Lãnh đạo TP. Hội An phát biểu tại lễ khởi công dự án. Ảnh: VGP.

UBND thành phố đã giao Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức triển khai thực hiện dự án trùng tu theo nguyên tắc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, duy trì đồng thời giá trị và chức năng của di tích. Theo kế hoạch, cuối năm 2023 tới đây dự án tu bổ Chùa Cầu sẽ hoàn tất và đi vào phục vụ du lịch, tham quan.

Tất cả các khâu chuẩn bị để tiến hành trùng tu chùa Cầu đều được thẩm định của Bộ VHTT&DL, Cục Di sản Văn hóa và Sở VHTT&DL Quảng Nam theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP. Ngoài ra còn có ý kiến góp ý của Văn phòng Ủy ban UNESCO tại Hà Nội, Văn phòng JICA tại Việt Nam, Tổng Cục Văn hoá Nhật Bản.

Ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, trải qua khoảng 400 năm tồn tại, chùa Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và là biểu tượng của thành phố Hội An. Di tích này đã ghi nhận nhiều lần hư hỏng, xuống cấp, phải can thiệp, tu sửa (năm 1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917, 1962, 1986, 1996,…). Qua các lần tu sửa trước đây, các cấu kiện thuộc hệ khung gỗ, các vật liệu bằng gỗ, vôi, gạch, hệ mái ngói âm dương, con giống, bờ nóc, bờ chảy… hầu hết bị thay đổi ít nhiều, chỉ riêng phần móng cầu còn giữ được gần như nguyên vẹn.

Các giải pháp, mức độ can thiệp ở những lần tu sửa trước đây chỉ dừng lại ở việc gia cố, gia công, dặm dọi, thay thế các vị trí hư hỏng nhằm duy trì sự ổn định cục bộ, tạm thời cho di tích nên thời gian qua, đặc biệt vào thời điểm này, ghi nhận di tích đã thực sự xuống cấp nguy hiểm.

Do đó, việc tu bổ sẽ góp phần bảo tồn di tích, gìn giữ tối đa giá trị cốt lõi di tích trong tổng thể chung của khu phố cổ Hội An, góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích, tôn tạo cảnh quan, tạo môi trường tốt cho việc nâng cao giá trị và phát huy di tích.

Dự án Tu bổ di tích chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) được HĐND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/NQ-HĐND (ngày 19/2/2021); UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 153/QĐ-UBND (ngày 13/01/2022); UBND TP Hội An phê duyệt Thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở tại Quyết định số 1403/QĐ-UBND (ngày 5/10/2022).

Tổng mức đầu tư dự án 20,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam (50%) và UBND TP Hội An (50%). Thời gian thực hiện dự án năm 2021-2023. Thời gian thi công 360 ngày do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư; Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An quản lý dự án; Trung tâm Tư vấn Bảo tồn Di tích – thuộc Viện Bảo tồn Di tích tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và Thiết kế triển khai sau nghiên cứu khả thi.

Tin liên quan

Đọc tiếp