Hơn 374.000 cổ phiếu ESOP của Dược phẩm Vidipha được giao dịch từ ngày 14/2

dược phẩm Vidipha
11:01 - 15/02/2023
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 14/2, CTCP Dược phẩm Trung ương Vidipha (HoSE: VDP) công bố thông tin về việc giải tỏa hạn chế giao dịch với 374.500 cổ phiếu, tương đương 50% số cổ phiếu phát hành theo chương trình ESOP năm 2021.

Năm 2021, Vidipha đã phát hành 749.000 cổ phiếu ESOP, tương ứng 4,67% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, cho 56 người lao động với giá 34.527 đồng/cp. Hạn chế chuyển nhượng 100% trong 1 năm đầu, 50% trong năm thứ 2, từ năm thứ 3 được tự do chuyển nhượng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Kết phiên giao dịch ngày 14/2, cổ phiếu VDP đứng giá tại 37.950 đồng/cp, tạm tính theo mức giá này, người lao động của công ty đã lãi 10% so với giá mua cách đây một năm.

Trên thị trường chứng khoán, dù ít giao dịch, nhưng cổ phiếu VDP đang chứng kiến một đà tăng nhẹ với những phiên tăng đứt quãng kéo dài từ cuối tháng 10/2022, đưa cổ phiếu này từ vùng đáy ngắn hạn khoảng 29.000 đồng/cp lên mức giá 37.950 đồng/cp phiên ngày 14/2.

Kết phiên giao dịch ngày 14/2, cổ phiếu VDP đứng giá tại 37.950 đồng/cp. Ảnh: TradingView
Kết phiên giao dịch ngày 14/2, cổ phiếu VDP đứng giá tại 37.950 đồng/cp. Ảnh: TradingView

Về kết quả kinh doanh, quý 4/2022, Vidipha ghi nhận doanh thu thuần 276 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán cũng tăng 21% lên 226 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 2,8 tỷ đồng, chỉ bằng 35% cùng kỳ, chi phí hoạt động tài chính tăng 32% lên 5 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế của Dược phẩm Vidipha đạt 20 tỷ đồng, tăng 33% so với quý 4/2021.

Lũy kế cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.006 tỷ đồng, giá vốn hàng bán đạt 750 tỷ đồng, tăng lần lượt 28% và 26% so với năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 26 tỷ đồng, giảm 10%, chi phí tài chính đạt gần 25 tỷ đồng, tăng mạnh 79%. Sau khi giảm trừ các loại chi phí, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt gần 73 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Dược phẩm Vidipha tăng 8% so với con số đầu năm lên 1.118 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng gấp 5,1 lần đầu kỳ lên 235 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 3 tháng. Khoản hàng tồn kho đạt 344 tỷ đồng, tăng 6%, chủ yếu là phần nguyên vật liệu (228 tỷ đồng) và phần thành phẩm (111 tỷ đồng)…

Nợ phải trả của công ty tăng 6% lên 475 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 335 tỷ đồng, tăng 33%. Trong đó, khoản vay lớn nhất là vay của Ngân hàng Techcombank (145 tỷ đồng), Ngân hàng VCB (84 tỷ đồng). Khoản phải trả ngắn hạn khác đạt 44 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần con số đầu kỳ…

Trước đó, ngày 2/2, Dược phẩm Vidipha đã công bố ngày đăng ký cuối cùng để tham dự đại hội đồng cổ đông 2023 và nhận tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2022 là ngày 15/3/2023. Dự kiến, ĐHĐCĐ sẽ tổ chức vào sáng ngày 15/4 tại Văn phòng CTCP Dược phẩm Trung ương Vidipha tại TP HCM.

Về việc tạm ứng cổ tức, công ty tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 15%, tương đương với mỗi cổ phiếu cổ đông nhận được 1.500 đồng, dự kiến công ty sẽ thanh toán cho cổ đông vào ngày 18/5.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.