Hướng dẫn chính sách rõ ràng để doanh nghiệp không bị 'chuệch choạc'

GP.Invest DOANH NGHIỆP
06:07 - 23/06/2023
Ông Nguyễn Quốc Hiệp trao đổi với Mekong ASEAN. Ảnh: Quách Sơn
Ông Nguyễn Quốc Hiệp trao đổi với Mekong ASEAN. Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Việc tiếp cận các thông tin chính sách từ Nhà nước hiện đã dễ dàng hơn, nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), các luật, nghị định, thông tư... còn phức tạp khiến không ít doanh nghiệp dễ bị “chuệch choạc” khi thực thi.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu - GP.Invest, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) có những chia sẻ với Mekong ASEAN liên quan đến công tác truyền thông chính sách tới doanh nghiệp hiện nay.

Truyền thông chính sách đã được chú trọng hơn, thẳng thắn hơn

Mekong ASEAN: Từ góc độ doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về công tác truyền thông chính sách thời gian qua?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Tôi thấy rằng việc tiếp cận các thông tin chính sách hiện đã dễ dàng hơn rất nhiều. Các thông tin về điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, các thông tư, nghị định, hướng dẫn... đều được đăng tải công khai, rộng rãi trên các cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước.

Với báo chí, tôi cũng nhận thấy việc truyền thông chính sách đã được chú trọng hơn, thẳng thắn hơn. Tôi nhớ cách đây khoảng 20 năm, báo chí hầu như chỉ nói cái hay, tuyên dương, cả khi doanh nghiệp có sai phạm cũng ít bị gọi tên, bình luận về chính sách lại càng không có. Hiện tại việc đưa tin đã đảm bảo cả hai chiều.

Như tại phiên thảo luận Quốc hội truyền hình trực tiếp vừa qua, có đại biểu nói “tuổi thọ” của các luật ngày càng ngắn, phải xem trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo... Theo tôi, việc công khai, minh bạch thông tin ở cả hai hướng sẽ giúp người dân tin tưởng hơn.

Mekong ASEAN: Về việc triển khai chính sách, theo ông hiện các doanh nghiệp có còn gặp trở ngại, vướng mắc ở đâu?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Tôi thấy rằng khó khăn đối với doanh nghiệp hiện nay là số luật, nghị định, thông tư... vốn đã nhiều, nhưng thông tư, nghị định thay đổi còn nhiều hơn. Bộ phận pháp chế của doanh nghiệp phải cập nhật liên tục. Doanh nghiệp có cán bộ pháp chế thì có thể hiểu rõ, còn những đơn vị không có dễ bị “chuệch choạc” dẫn đến thực hiện không đúng.

Thị trường bất động sản hiện tại, vướng mắc của các dự án phải đến 60-70% là do pháp lý. Như vấn đề giải phóng mặt bằng, chúng tôi đang làm một dự án Nhà nước thu hồi đất mà mãi chưa xong vì thắc mắc, kiện cáo về giá đền bù. Dự án bắt đầu từ cách đây 8-9 năm, hệ số đất tính đền bù lúc đó là 1, bây giờ được điều chỉnh cùng mặt bằng chung lên 4. Nhưng người nhận đền bù trước “bắt đền” cả cái này. Những vướng mắc như thế khiến dự án cứ đình trệ, doanh nghiệp trầy trật.

Vướng mắc pháp lý ở dự án bất động sản thì muôn hình vạn trạng, có dự án thì vướng giải phóng mặt bằng, có dự án lại vướng về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, có dự án lại vướng một chút đất công, vướng quy hoạch... Một dự án 10ha, trong đó chỉ có 500m đất công, hơn 9ha còn lại đầy đủ pháp lý, thủ tục nhưng vẫn không thể triển khai. Theo tôi, những trường hợp như thế phải có cách xử lý linh hoạt.

Cả hệ thống luật pháp liên quan đến bất động sản đều đang đồng loạt chỉnh sửa, đó là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu... Việc xây dựng các luật theo hướng như thế nào sẽ quyết định cho định hướng phát triển của thị trường trong tương lai, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi đều đang rất chờ mong và kỳ vọng.

Các chính sách cần “đi” nhanh hơn

Mekong ASEAN: Với khó khăn trên thị trường bất động sản, thời gian qua Chính phủ và các bộ ban ngành đã vào cuộc rất quyết liệt. Là một lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, ông có thêm kiến nghị gì để các chính sách thực sự hỗ trợ thị trường?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Với các khó khăn trên thị trường bất động sản, Chính phủ đã nhìn rất chuẩn, rất đúng vấn đề và kịp thời đưa ra các chính sách để hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc. Tuy nhiên, để các chính sách đi nhanh, kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp thì tôi cho rằng cần có biện pháp đôn đốc quyết liệt hơn.

Như tổ công tác của Chính phủ về gỡ vướng bất động sản, tôi thấy chưa có chỉ tiêu cụ thể; yêu cầu các tỉnh và tổ công tác phải báo cáo như thế nào, giải quyết được bao nhiêu dự án. Hay như biện pháp tình thế giải quyết đơn giá đất, hiện giao cho UBND huyện được quyền định giá nhưng không áp thời hạn giải quyết là bao lâu, tức là chưa có sức ép để các cơ quan thực thi nhanh chóng.

Việc triển khai một triệu căn nhà ở xã hội là chính sách rất đúng nhưng tôi cũng nhận thấy đang thiếu biện pháp. Theo tôi nên giao chỉ tiêu về quỹ đất nhà xã hội cho từng địa phương, nhất là những tỉnh có dân số đông, phát triển nhiều khu công nghiệp, yêu cầu phải có bao nhiêu ha đất trong quỹ nhà ở xã hội... Trên cơ sở đó, nên có quỹ đầu tư hạ tầng cho nhà ở xã hội.

Dự án Tràng An Complex do GP.Invest thực hiện.

Dự án Tràng An Complex do GP.Invest thực hiện.

Mekong ASEAN: Do liên đới với thị trường bất động sản nên ngành xây dựng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Với cương vị Chủ tịchVACC, ông có đề xuất chính sách gì để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành này?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Theo số liệu của VACC thì 30% số doanh nghiệp xây dựng đã phải giải tán; số hoạt động cầm chừng, chờ thời cơ cũng phải đến 50-60%. Vì vậy, tôi muốn nhắc lại đề xuất điều chỉnh định mức đơn giá đã được Chính phủ có ý kiến và Bộ Xây dựng thực hiện, tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm, khả năng phải cuối 2023 mới bắt đầu gia hạn điều chỉnh đơn giá định mức lần đầu tiên, hoặc sang đầu 2024.

Một khó khăn nổi cộm khác của ngành xây dựng là nợ đọng, có những doanh nghiệp lên đến 57-60%, tức là có nợ nhưng không thu được. Như Tập đoàn Hòa Bình, doanh nghiệp đầu ngành hiện nợ phải thu chiếm 57% tổng tài sản, khoảng 13.000 tỷ đồng. Việc nợ đọng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến nợ xấu, ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Chúng tôi đã kiến nghị cần có cơ chế bình đẳng trong hoạt động hợp đồng xây dựng, nên chăng có Luật riêng về hợp đồng vì nó sẽ có thể bao quát hết mọi vấn đề liên quan. Từ luật đó, người mua và người bán đều phải có trách nhiệm với nhau.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.