Hướng dẫn về UKCA cho doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội tại thị trường Anh

Nhãn UKCA ảnh
08:30 - 05/08/2022
Hướng dẫn về UKCA cho doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội tại thị trường Anh
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo "Cập nhật thông tin về UKCA - Yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh kể từ ngày 1/1/2023” tổ chức ngày 4/8, nhằm cung cấp các hướng dẫn về nhãn hiệu UKCA cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Hội thảo này do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp với Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại hội thảo, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường cho biết, để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh tại thị trường nhập khẩu rất lớn các sản phẩm công nghiệp, việc kịp thời chuyển sang đáp ứng tiêu chuẩn theo nhãn hiệu UKCA là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện Việt Nam mới chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh, nhưng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do UKVFTA cũng như thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần.

Nhãn hiệu UKCA (nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn về bảo vệ sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường của Vương quốc Anh), được Anh xây dựng lại nhằm thay thế cho nhãn hiệu CE của Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời EU vào năm 2020, yêu cầu các hàng hóa công nghiệp xuất khẩu vào thị trường Vương quốc Anh (bao gồm xứ England, Wales và Scotland) phải chuyển sang đáp ứng theo nhãn hiệu mới này.

Mặc dù nhãn hiệu UKCA đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh theo các yêu cầu mới, phía Anh vẫn chấp nhận sử dụng nhãn hiệu CE trong thời gian chuyển đổi. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2023, Anh bắt đầu áp dụng bắt buộc nhãn hiệu UKCA cho hầu hết các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương, cũng cho rằng Anh là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, những năm gần đây thương mại song phương tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Anh đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 5,76 tỷ USD tăng trưởng 16,4%. Trong đó các mặt hàng công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tổng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu, đạt 2,54 tỷ USD trong năm 2021 với các mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện điện thoại, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ và thép.

Tuy nhiên, năm 2022, do tình hình khó khăn trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không được khả quan như năm 2021. Nửa đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh đạt 3,3 tỷ USD, giảm 0,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đạt 2,9 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp đạt 1,1 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 38% tổng giá trị xuất khẩu.

Tuy giảm về tổng giá trị kim ngạch, nhưng một số mặt hàng công nghiệp vẫn đạt được mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như mặt hàng dây điện và dây cáp điện, tăng trưởng 99%, đạt 6,2 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 39%, đạt 337 triệu USD. Dù vậy, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng (đạt 493 triệu USD) lại ghi nhận mức giảm mạnh 27%.

Ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh nhãn hiệu UKCA là yêu cầu bắt buộc với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh từ đầu năm 2023. Do vậy việc hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam về UKCA đối với các mặt hàng công nghiệp là hết sức cần thiết, cần triển khai ngay để có thể nắm bắt thời cơ thuận lợi từ quan hệ thương mại song phương và Hiệp định UKVFTA, đặc biệt khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường Anh lớn nhưng khan hiếm nguồn cung toàn cầu và ngày càng nhiều doanh nghiệp Anh quan tâm nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam để đa dạng hóa nguồn cung.

Tại hội thảo, hai chuyên gia Emily Beis và Erin Fair, đại diện cho Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh, trình bày hướng dẫn cập nhật về nhãn hiệu UKCA nhằm cung cấp thêm thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như giải đáp các thắc mắc để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh và đáp ứng theo quy định mới.

Bà Erin Fair nhấn mạnh Việt Nam là nước xuất khẩu lớn vào thị trường Anh do vậy chính phủ nước này coi trọng việc hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn theo nhãn hiệu UKCA.

Phía Anh sẵn sàng tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến cũng như sang hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội, TP HCM và các thành phố khác vào tháng 11 tới.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú bày tỏ hội thảo là dịp để các tổ chức hỗ trợ, tư vấn kinh doanh và các doanh nghiệp tăng cường trao đổi, hiểu rõ hơn về tiềm năng, cũng như các cơ hội, thách thức và những điều cần lưu ý để phát triển hoạt động thương mại với Vương quốc Anh, tiếp tục góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng ổn định và phát triển kinh tế, thương mại song phương trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Anh, trong 2 năm gần đây, Vương Quốc Anh trong tình trạng thiếu ổn định và khan hiếm nguồn cung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, Brexit và cấm vận trừng phạt kinh tế với Nga. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội khan hiếm nguồn cung ứng ở Anh để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm, đồ gỗ, dệt may,…

Đặc biệt, khi hiệp định thương mại song phương UKVFTA đã có hiệu lực đầy đủ khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi từ miễn trừ thuế quan. Trong đó, có thể kể đến ngành nông thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh giảm từ 10 - 20% xuống 0% và ngành gỗ khi nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận để tham gia chuỗi cung ứng tại thị trường này.Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư và thương mại trong thời gian tới.

Dù vậy, hiện nay, hoạt động thương mại thế giới nhìn chung bị ảnh hưởng khi giá nhiên liệu tăng đẩy cước vận tải đường biển và hàng không tăng. Bên cạnh đó, việc lạm phát tăng cao cũng khiến doanh nghiệp và người dân Anh hạn chế chi tiêu so với năm 2021. Đây cũng là mối lo ngại đối với việc tăng cường xuất khẩu bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam. Kỳ vọng tốc độ tăng trưởng thương mại năm 2022 sẽ hạn chế hơn so với năm ngoái.

Ngoài ra, tuy thị trường Anh khan hiếm nguồn cung nhưng yêu cầu chất lượng cao, giá thành sản phẩm thấp, tạo nên rào cản cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, dù UKVFTA đã chính thức có hiệu lực đầy đủ, các cam kết trong hiệp định về giảm thuế quan, mở cửa thị trường, hàng hoá, dịch vụ được mong đợi sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại song phương nhưng cũng không thể quá lạc quan kỳ vọng trong thời điểm bất ổn kinh tế chính trị của nước Anh hiện nay.

Xu hướng thị trường Anh hiện nay ưa thích các sản phẩm, dịch vụ chú trọng đến yếu tố thân thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu, giàu giá trị nhân văn, vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư các giá trị chiều sâu cho các sản phẩm của mình để giúp hàng hóa tiêu thụ tốt hơn tại thị trường này.

Tin liên quan

Đọc tiếp