Việt Nam nhập siêu năm thứ 6 liên tiếp từ Indonesia

Thương Mại Indonesia
20:26 - 03/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong gần 10 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam – Indonesia đã tăng gần 3 lần. Tuy nhiên, trong khi nhập khẩu có mức tăng trưởng dương liên tục thì xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Indonesia lại "bấp bênh".

Xuất khẩu đã tăng từ 2,4 tỷ USD (năm 2013) lên 3,9 tỷ USD (năm 2021). So với xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa từ Indonesia của Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh hơn, từ 2,3 tỷ USD lên 7,5 tỷ USD. Phía Việt Nam và Indonesia đang hướng tới phát triển quan hệ thương mại song phương, đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2028.

Năm 2021, thương mại song phương giữa Việt Nam – Indonesia đạt 11,4 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN và vượt mục tiêu 10 tỷ USD hai bên đã đề ra trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019 - 2023. Trong đó, xuất khẩu sang Indonesia đạt 3,9 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2020 đạt 3,9 tỷ USD); nhập khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 41% (năm 2020 đạt 5,3 tỷ USD).

Nhìn chung, cán cân thương mại những năm gần đây luôn nghiêng về phía Indonesia. Năm 2021 là năm Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ thị trường này, đạt 3,6 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam nhập siêu từ thị trường này.

Về xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Indonesia là các mặt hàng công nghiệp và các sản phẩm nguyên liệu. Cụ thể, trong năm 2021, xuất khẩu sắt thép đạt trị giá lớn nhất, ở mức 469 triệu USD; tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 467 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 309 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 245 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 218 triệu USD…

Trong giai đoạn 2013 – 2016, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Indonesia có sự tăng trưởng không đều. Trong khi năm 2013, xuất khẩu sang Indonesia đạt 2,4 tỷ USD, năm 2014 và 2015 lần lượt đạt 2,89 và 2,85 tỷ USD thì năm 2016 lại giảm xuống 2,6 tỷ USD.

Nhìn chung, năm 2016, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Indonesia các mặt hàng đều giảm về kim ngạch, bao gồm các sản phẩm công nghiệp, nguyên liệu và nông sản. Giảm mạnh nhất là mặt hàng clanke và xi măng, giảm tới 87%. Các mặt hàng xuất khẩu chiếm kim ngạch lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016 là điện thoại các loại và linh kiện cũng giảm đáng kể ở mức -10%.

Với mặt hàng nông sản, đặc biệt là gạo phải chịu sự sụt giảm tới 50%, chỉ đạt 128,5 triệu USD (năm 2015 đạt 266,7 triệu USD). Nguyên nhân chủ yếu do phía Indonesia không nhập khẩu gạo từ các thị trường cung cấp (bao gồm Việt Nam) theo chủ trương không nhập khẩu, tiết kiệm và dự trữ cho các tình huống khẩn cấp. Bước sang năm 2017, tình hình xuất khẩu gạo sang thị trường này tiếp tục rơi vào đi lùi khi chỉ còn đạt 5,8 triệu USD. So với năm 2016, mức tăng trưởng đã chạm mốc -95%.

Năm 2018, lượng nhập khẩu gạo của Indonesia từ Việt Nam tăng đột biến, từ 5,8 triệu USD lên 362,6 triệu USD. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, do biến động của thế giới, do tình hình dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Indonesia lại không mấy khả quan, không vượt mức 50 triệu USD. Như vậy, từ việc đạt 91 triệu USD xuất khẩu gạo vào năm 2013, sau 9 năm, kim ngạch xuất vào Indonesia chỉ còn 32 triệu USD.

Ngoài mặt hàng gạo, trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Indonesia cũng tăng lớn, tới mức 283%, đạt 123,5 triệu USD. Nguyên nhân là do nước này nhập khẩu cà phê Việt Nam với giá và chất lượng tốt để chế biến cà phê hòa tan, tiêu thụ nội địa, hoặc tái xuất.

Sang năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cà phê vào Indonesia chỉ còn đạt 37,5 triệu USD do biến động giá cả của thị trường cũng như nhu cầu nhập khẩu cà phê của Indonesia từ Việt Nam không còn lớn như năm 2018. Mặt khác, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng tác động đến giá nông sản xuất khẩu (bao gồm cà phê). Giai đoạn 2020 – 2021, xuất khẩu cà phê vào thị trường này vẫn ghi nhận tăng trưởng dương nhưng không có sự đột biến, đến năm 2021 đạt mức 43,8 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Indonesia đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính như gạo, thủy sản, rau quả, cà phê đều tăng trưởng tương đối tốt; riêng thủy sản tăng trưởng tới 112,5%.

Về nhập khẩu, 9 năm qua, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Indonesia đã tăng gấp 3 lần (năm 2013 đạt 2,3 tỷ USD, đến năm 2021 đã tăng lên 7,5 tỷ USD). Trong đó, các sản phẩm nguyên liệu là các mặt hàng có trị giá lớn nhất.

Năm 2021, than là mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia có trị giá lớn nhất, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng chủ yếu này chịu tác động từ việc giá than của Indonesia tăng vọt, thậm chí lập kỷ lục do phía Trung Quốc liên tục đẩy mạnh nhập khẩu than từ thị trường này. Cụ thể, vào hồi tháng 7/2021, giá than tham chiếu của thị trường này ở mức 115,35 USD/tấn, đây là mức giá than tham chiếu cao nhất của Indonesia trong hơn 10 năm trở lại đây.

Ngoài than, dầu mỡ động thực vật cũng là mặt hàng được nhập khẩu nhiều từ Indonesia. Năm 2021, đạt 711 triệu USD, sắt thép đạt 578 triệu USD, ô tô nguyên chiếc các loại đạt 559 triệu USD.

Trong vòng 9 năm qua, các mặt hàng này nhập khẩu năm 2021 đã có sự tăng trưởng vượt bậc, gấp nhiều lần so với năm 2013. Riêng đối với mặt hàng ô tô, Indonesia là thị trường cung cấp ô tô lớn thứ ba (về trị giá) và lớn thứ hai (về số lượng) cho Việt Nam (sau Trung Quốc và Thái Lan). Năm 2021, Việt Nam nhập 44.250 chiếc ô tô từ Indonesia (chiếm 27% tổng lượng nhập của Việt Nam) và 559 triệu USD (chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Indonesia đạt 4,6 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp và các mặt hàng công nghiệp. Than là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất, đạt 996 triệu USD; tiếp theo là sắt thép đạt 586 triệu USD; dầu mỡ động thực vật đạt 325 triệu USD…

Nguyên phụ liệu thuốc lá là mặt hàng có mức độ tăng trưởng lớn nhất, đạt 195%. Đứng thứ hai là sắt thép, tăng 171%; than tăng 71%...

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam cũng giảm nhập khẩu một số mặt hàng nhập từ thị trường này. Cụ thể, hạt điều giảm tới 88%, phân bón giảm 52%; bông các loại giảm 50%...

Tin liên quan

Đọc tiếp