Hút vốn ngoại trở lại: Phải có món mới cho nhà đầu tư

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
10:10 - 04/12/2021
Hút vốn ngoại trở lại: Phải có món mới cho nhà đầu tư
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp nối năm 2020 bán ròng 16.000 tỷ đồng, bước sang năm 2021, khối ngoại tiếp tục xả hàng với tổng giá trị bán ròng lũy kế 11 tháng gần 60.000 tỷ đồng.

Theo thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 11, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 77.778 tỷ đồng, chiếm 5,44% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán trên toàn thị trường. Khối ngoại bán ròng 9.063 tỷ đồng trong tháng, nâng giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm đến nay lên 59.494 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần mức bán ròng cùng kỳ năm ngoái.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục 59.494 tỷ đồng từ đầu năm đến nay (Nguồn: HoSE)

Khối ngoại bán ròng kỷ lục 59.494 tỷ đồng từ đầu năm đến nay (Nguồn: HoSE)

Khối ngoại xả hàng ròng rã bất chấp sự thăng hoa suốt năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chỉ số VN-Index tháng 11 chinh phục đỉnh mới 1.500,81 điểm vào phiên giao dịch 25/11, mức cao nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường.

Mặc dù giá trị bán ròng gần 60.000 tỷ đồng chỉ tương đương khoảng 5,3% tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (khoảng 50 tỷ USD, tương đương 1,14 triệu tỷ đồng), theo con số của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng đây rõ ràng đã là một hiện tượng trong một năm khá đặc biệt của thị trường.

Khối ngoại xả hàng: thiếu "món ăn" cho nhà đầu tư

Lý giải về hiện tượng vốn ngoại tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam suốt 2 năm qua, tại chương trình “Bàn tròn chuyên gia: Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho 2022” do VNDirect tổ chức chiều 3/12, bà Trần Khánh Hiền, giám đốc khối phân tích VNDirect nhận định có 3 nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này.

Đầu tiên, thực trạng vốn ngoại rời ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là xu hướng chung trong bức tranh toàn cảnh thị trường thế giới.

Ảnh tác giả

“Dòng vốn ngoại đang rời ASEAN sang các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc. Việc vốn ngoại rút khỏi Việt Nam nằm trong xu hướng chung chứ không phải quan ngại gì đặc biệt của riêng thị trường”.

Bà Trần Khánh Hiền, giám đốc khối phân tích VNDirect

Một nguyên nhân khác, “themes đầu tư” (chủ đề đầu tư - PV) chung mà thế giới đang hướng đến lúc này là lĩnh vực bán dẫn và công nghệ, do đó xu hướng dòng vốn đổ vào các cổ phiếu công nghệ như Tesla, Apple… Trong khi đó, Việt Nam gần như thiếu các công ty niêm yết nổi bật trong lĩnh vực này, do đó dòng vốn nước ngoài không tìm đến trong nước hoặc chuyển sang các thị trường khác.

Nguyên nhân thứ ba, theo bà Hiền, do Việt Nam hiện chưa được MSCI nâng lên hạng thị trường mới nổi nên tiềm năng thu hút vốn thụ động còn hạn chế.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam lý giải hiện tượng vốn ngoại tháo chạy khỏi thị trường trong nước trong năm qua là do tác động của các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

“Tôi quan sát người nước ngoài, thấy trong thời điểm như tháng 8, tháng 9 vừa qua, khi dịch COVID-19 bùng phát và nhiều địa phương thực hiện các chính sách "3 tại chỗ", "ai ở đâu ở yên đấy"… thì tâm lý họ rất tiêu cực. Nhìn vào thực tế tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh mẽ trong khi thị trường chứng khoán lên cao thì bán chốt lời là tâm lý dễ hiểu”, ông Xuân Thành nói.

Một nguyên nhân khác khiến khối ngoại bán ròng mạnh mẽ mà ông Xuân Thành đưa ra - tương tự như quan điểm của bà Khánh Hiền - là do thiếu “món ăn mới” cho thị trường.

Ảnh tác giả

“Nhà đầu tư cần những câu chuyện mới. Ta cứ nói Việt Nam chuyển đổi số nhanh nhưng nếu không xuất hiện các doanh nghiệp công nghệ mới niêm yết trong bối cảnh cả thế giới quan tâm đến công nghệ thì việc bao giờ dòng vốn trở lại cũng khó nói”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam

Bao giờ vốn ngoại trở lại?

Trả lời câu hỏi khi nào vốn ngoại trở lại, bà Hiền cho hay khẩu vị đầu tư của nhà đầu tư sẽ không mãi dồn vào các cổ phiếu công nghệ, bán dẫn. “Khi “themes” đầu tư quay lại các ngành truyền thống như F&B hay năng lượng thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lại có cơ hội”, bà Hiền cho hay.

Việc dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) dồi dào theo bà Hiền cũng sẽ kéo theo FI (vốn đầu tư nước ngoài nói chung) đổ vào trong nước do dòng FDI của các tập đoàn lớn thường di chuyển theo hệ sinh thái. Chẳng hạn khi SK Hynik hay Samsung đầu tư vào Việt Nam thì một quy mô lớn dòng vốn FI liên quan cũng vào Việt Nam. Tương tự, khi các tập đoàn Mỹ, EU đầu tư vào Việt Nam thì cả hệ sinh thái cũng phải di chuyển theo. Như vậy, nếu FDI trong thời gian tới tiếp tục dồi dào thì không lo vốn ngoại không quay lại thị trường, bà Hiền nhận định.

Ngoài ra, khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng kích thích dòng vốn thụ động quay lại.

Còn ông Nguyễn Xuân Thành thì chỉ ra 2 phép thử lớn cho thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung trong năm 2022 là diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nguy cơ dòng vốn đảo chiều khi chính sách tiền tệ chuyển hướng thắt chặt, các thị trường chính tăng lãi suất tác động đến phản ứng chính sách trong nước.

“Có thể thấy trong vài tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày đang tăng trở lại, cùng sự xuất hiện biến chủng mới Omicron. Ta vừa cần cảnh giác, hạn chế hoạt động tụ tập đông người nhưng nhất thiết phải đảm bảo duy trì được hoạt động kinh tế bình thường, liên tục để tiếp thêm niềm tin cho nhà đầu tư, qua đó thu hút nhà đầu tư ngoại quay lại”, ông Thành nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp