Hy vọng 'bình thường mới' của châu Âu giữa làn sóng Omicron

omicron CHÂU ÂU
11:19 - 26/01/2022
Biến chủng Omicron có thể tạo tiền đề để đại dịch ở châu Âu chuyển từ áp đảo sang có thể được kiểm soát trong năm nay. Ảnh: AFP
Biến chủng Omicron có thể tạo tiền đề để đại dịch ở châu Âu chuyển từ áp đảo sang có thể được kiểm soát trong năm nay. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron đồng nghĩa là nhiều người sẽ có khả năng miễn dịch tự nhiên trong khoảng thời gian nhất định. Điều này có thể là một điểm sáng, đem lại hy vọng cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao ở khu vực châu Âu.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, Tiến sĩ Hans Kluge, hôm 24/1 cho rằng sự lây lan đáng kinh ngạc của biến chủng Omicron có thể tạo tiền đề để đại dịch ở châu Âu chuyển từ áp đảo sang có thể được kiểm soát trong năm nay. Điều này cung cấp cho thế giới một cái nhìn khác về cách thức nới lỏng hạn chế trong nước nhưng vẫn giữ dịch bệnh trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, theo New York Times, hy vọng đó đi kèm với một sự thận trọng: Khả năng miễn dịch để tránh sự lây nhiễm có thể sẽ suy yếu và các biến chủng mới có khả năng xuất hiện, khiến hệ thống y tế toàn cầu quá tải bởi số lượng bệnh nhân lớn. Tại Mỹ - nơi có tỷ lệ tiêm phòng thấp hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với Tây Âu - sẽ gặp nhiều rào cản lớn hơn trên con đường chế ngự đại dịch.

Tiến sĩ Kluge cũng cảnh báo còn quá sớm để các quốc gia mất cảnh giác, trong khi vẫn còn rất nhiều người chưa được tiêm chủng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, theo ông, nhờ tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên mà "Omicron mang lại hy vọng chính đáng cho cuộc sống ổn định và bình thường hóa".

Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi về bức tranh bình thường mới trông như thế nào. Nó có phải là một bức tranh trông như thảm họa vào năm 2019 nhưng lại là bước tiến lớn vào năm 2022 hay không và điều đó có thể tồn tại trong bao lâu.

Câu trả lời về kết thúc của dịch bệnh còn bỏ ngỏ

Các nhà khoa học cho biết, biến chủng Omicron chắc chắn sẽ nâng cao mức độ miễn dịch trong dân số. Tuy nhiên, thế giới liệu có phải chứng kiến tỷ lệ tử vong gia tăng và tương lai hỗn loạn trước khi tình hình đại dịch ổn định hay không thì vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Kluge tin rằng châu Âu có thể chịu được những làn sóng dịch bệnh mới mà không cần dùng đến phong tỏa. Các quốc gia vẫn đang làm việc để xác định những biện pháp khác mà họ có thể áp đặt. Các nhà khoa học cho biết, các loại thuốc kháng biến chủng mới sẵn có ở châu Âu hiện nhiều hơn so với các nơi khác trên thế giới, nhưng các quốc gia vẫn cần phải kiểm tra chúng nhanh chóng hơn.

Đến tháng 3/2022, Omicron có thể khiến 60% dân số châu Âu mắc bệnh. Ảnh: Reuters

Đến tháng 3/2022, Omicron có thể khiến 60% dân số châu Âu mắc bệnh. Ảnh: Reuters

Nhiều chuyên gia cho biết những biện pháp phòng ngừa như xét nghiệm và cách ly sẽ vẫn là điều cần thiết. Nếu ca mắc tăng cao trong mùa đông tới, việc bắt buộc đeo khẩu trang trong ngắn hạn là cách để ngăn chặn các ca Covid-19, cũng như đối phó với những bệnh đường hô hấp khác.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết hôm 24/1 rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn còn tồn tại khắp mọi nơi. “Thật nguy hiểm khi cho rằng Omicron sẽ là biến chủng cuối cùng, hoặc nghĩ chúng ta đang ở giai đoạn cuối của dịch bệnh”, Tiến sĩ Tedros cho biết. "Ngược lại, trên toàn cầu, vẫn còn những điều kiện lý tưởng để có thêm nhiều biến chủng khác xuất hiện".

Trong hai năm qua, mọi người trên khắp thế giới đã quá quen thuộc với cách thức tiến hóa của virus và cách nó làm xáo trộn các kỳ vọng. Mùa thu năm ngoái, với sự bao phủ rộng của vaccine và biến chủng Delta suy yếu, đã có nhiều người dự đoán về khả năng trở lại cuộc sống bình thường. Và rồi biến chủng Omicron đã xuất hiện khiến mọi hy vọng đều sụp đổ.

Không có biến chủng nào trước đó lây lan nhanh như Omicron. Số ca mắc trên toàn cầu được báo cáo tăng vọt từ khoảng 600.000 ca/ngày vào đầu tháng 12/2021 đến hơn 3 triệu ca/ngày gần đây. Con số này chưa tính đến các trường hợp nhiều người tự xét nghiệm tại nhà và không báo cáo lại vào số liệu chính thức.

Ngay cả khi con số này đang chững lại ở phần lớn châu Âu và Mỹ - những nơi mà Omicron thành chủng thống trị - thì số lượng ca mắc mới vẫn cao đến mức đáng kinh ngạc.

Bộ trưởng Y tế Đức, Karl Lauterbach, dự đoán số ca mắc mới sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 2 với 600.000 ca/ngày. Omicron hiện cũng đang lan rộng khắp Đông và Trung Âu, bao gồm ở cả nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Lạc quan một cách thận trọng

Các quốc gia châu Á - những nơi từng theo đuổi chính sách "Zero Covid-19" với việc phong tỏa chặt chẽ - sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc ngăn chặn sự bùng phát của Omicron.

Tuy nhiên, chính tốc độ và quy mô của những đợt bùng phát biến chủng Omicron khiến một số quan chức y tế lạc quan một cách thận trọng, về cách các quốc gia có thể thoát ra khỏi làn sóng dịch mới nhất nhanh chóng như thế nào. Nam Phi và Anh là hai nơi mà Omicron thống trị với báo cáo số ca mắc tăng vọt, nhưng sau đó suy giảm đáng kể.

“Việc tăng cường tiêm chủng và số ca mắc tăng đang nâng cao khả năng phòng thủ để chống lại Covid-19", Thomas Frieden, Cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) - viết trên Twitter. “Tôi hiện lạc quan hơn về khả năng chế ngự đại dịch của chúng ta hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi Covid-19 xuất hiện".

“Tất nhiên, trừ khi một biến chủng tồi tệ hơn xuất hiện, với khả năng lây nhiễm như Omicron và khả năng tử vong như Delta”, ông nói thêm.

Các nước châu Âu đang tăng cường tiêm chủng, hy vọng về một tương lai bình thường hóa. Ảnh:

Các nước châu Âu đang tăng cường tiêm chủng, hy vọng về một tương lai bình thường hóa. Ảnh:

Tại Mỹ, 37% người dân chưa tiêm phòng đầy đủ, so với 25% ở Tây Âu. 3/4 dân số Mỹ chưa tiêm liều tăng cường, so với một nửa dân số Tây Âu.

Devi Sridhar - người đứng đầu chương trình y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh (Scotland) cho biết, số lượng và sự tập trung của những người không tiêm phòng ở các vùng tại Mỹ khiến đất nước này rơi vào tình thế nguy hiểm hơn so với các vùng có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn ở châu Âu.

Bà nhận định: “Ở những nước châu Âu, chúng ta phải chuyển sang chương tiếp theo của đại dịch và chuyển từ một cuộc khủng hoảng sức khỏe khẩn cấp sang một cuộc khủng hoảng bền vững hơn".

Với việc Anh đang dỡ bỏ hầu hết hạn chế dịch bệnh và Thủ tướng Tây Ban Nha yêu cầu công dân “học cách sống chung” với virus, châu Âu đưa ra những gợi ý về những gì đang ở phía trước, tiến sĩ Sridhar nói. "Nhiều quốc gia đang theo dõi chúng tôi để xem giai đoạn tiếp theo sẽ như thế nào. Liệu chúng tôi có thể tìm ra cách để giải quyết vấn đề này khi bắt đầu bước vào mùa xuân và mùa hè, hay chúng tôi lại đối mặt một điều bất ngờ khác?”.

Khi nghiên cứu chỉ ra rằng Omicron gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng và vaccine vẫn bảo vệ khỏi những tình huống bệnh tật xấu nhất, một số chuyên gia y tế công cộng khuyến khích mọi người đừng quá chú ý tới số ca mắc mà cần tập trung hơn vào số ca nhập viện.

Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng khả năng miễn dịch tự nhiên có thể suy giảm theo thời gian và có thể áp dụng với các phiên bản virus khác trong tương lai. Ví dụ như người từng nhiễm Delta chỉ được bảo vệ một phần trước Omicron.

Các nhà khoa học cho biết những biến chủng mới lây lan nhanh rất có thể sẽ xuất hiện. Và không có lý do gì để tin rằng độc lực của chúng sẽ nhẹ hơn.

Cuối cùng, các nhà khoa học tin rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hiệu và bắt đầu lưu hành ở mức độ dễ đoán hơn. Khi nhiều người được tiêm chủng hơn, virus phải đối mặt với khó khăn để tiến hóa theo cách cho phép nó lây nhiễm cho những người đã có miễn dịch. Do vậy, khó có thể dự đoán về sự xuất hiện của biến chủng tiếp theo, sau Omicron.

Tiến sĩ Kluge kêu gọi người dân trên thế giới thận trọng và lạc quan, đồng thời chú ý tới các vấn đề sức khỏe khẩn cấp khác ngoài Covid-19.

“Đại dịch còn lâu mới kết thúc, nhưng tôi hy vọng chúng ta có thể kết thúc giai đoạn khẩn cấp vào năm 2022 và giải quyết các mối đe dọa sức khỏe khác mà chúng ta cũng cần chú ý khẩn cấp”, tiến sĩ Kluge nói. “Công việc tồn đọng và danh sách chờ đợi đang tăng lên, các dịch vụ y tế thiết yếu bị gián đoạn, các kế hoạch và công tác chuẩn bị cho những căng thẳng và di chứng sức khỏe liên quan đến khí hậu hiện đình trệ".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.