'Tâm chấn' Nam Phi vượt qua làn sóng lây nhiễm Omicron

omicron Nam Phi
17:07 - 19/01/2022
Dù nhiều biến chủng mới sẽ xuất hiện thì giai đoạn nguy cấp nhất của đại dịch với số ca tử vong kinh hoàng ở Nam Phi có thể đã kết thúc. Ảnh: WHO Africa
Dù nhiều biến chủng mới sẽ xuất hiện thì giai đoạn nguy cấp nhất của đại dịch với số ca tử vong kinh hoàng ở Nam Phi có thể đã kết thúc. Ảnh: WHO Africa
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ hai tháng sau khi thế giới lần đầu tiên nghe tới biến chủng Omicron tại khu vực nam châu Phi, chủng virus này đã lây lan khắp Nam Phi với tốc độ kinh hoàng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vừa thông báo Nam Phi hiện đã kiểm soát thành công Omicron.

Theo phóng viên Debora Patta của CBS, trong tuần này, các hoạt động kinh doanh tại ngoại ô thành phố lớn nhất Nam Phi là Johannesburg đã nhộn nhịp trở lại, giao thông lại tắc nghẽn và thành phố tấp nập như trước khi biến chủng Omicron bùng phát hồi cuối tháng 11/2021.

"Một bước ngoặt trong đại dịch'

Patta và nhóm của cô đã theo dõi tình hình ở khu điều trị Covid-19 tại một bệnh viện tỉnh Gauteng, bao gồm cả Johannesburg và thủ đô Pretoria, trong suốt đại dịch. 6 tháng trước, trong trận chiến của Nam Phi với biến chủng Delta, bệnh viện đã bị quá tải. Các giường ICU và oxy cạn kiệt, còn tỷ lệ bệnh nhân tử vong tăng vọt.

"Y tá cũng là con người. Vì vậy khi nhìn thấy bệnh nhân chết như vậy thực sự rất khổ tâm", y tá Justice Mangala mệt mỏi chia sẻ với CBS News vào thời điểm đó. Tuy nhiên, trong suốt quá trình lây nhiễm mạnh của làn sóng Omicron, bệnh viện tại đây lại hoàn toàn khác. Một nửa giường bệnh vẫn trống với rất ít bệnh nhân cần oxy và nhân viên y tế chịu áp lực ít hơn rất nhiều.

Lần này, Mangala nói với Patta rằng, anh có thể đếm số ca tử vong trong khu điều trị của mình "chỉ trên đầu ngón tay". "Tôi cảm thấy thoải mái một chút”, anh nói, "Bây giờ chúng tôi đã có tuyến phòng thủ thứ hai, đó là vaccine”.

Theo giáo sư chuyên khoa tiêm chủng Shabir Madhi, vaccine kết hợp với tỷ lệ nhiễm cao trước đó đã tăng cường khả năng miễn dịch tổng thể của người dân Nam Phi. Điều này đã làm giảm đáng kể tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong trong làn sóng Omicron.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở Johannesburg, Nam Phi hôm 9/12/2021. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân ở Johannesburg, Nam Phi hôm 9/12/2021. Ảnh: Reuters

"Làn sóng Omicron hiện chiếm chưa đến 5% tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Nam Phi kể từ khi đại dịch bắt đầu", Madhi nói. Ông tin rằng dù nhiều biến chủng mới sẽ xuất hiện thì giai đoạn nguy cấp nhất của đại dịch với số ca tử vong kinh hoàng có thể đã kết thúc.

"Tôi lạc quan rằng chúng ta đã đạt đến bước ngoặt trong đại dịch này. Chúng tôi không thể tưởng tưởng rằng mình đã trải qua trong ba đợt sóng đầu tiên ở Nam Phi như thế nào”, ông nói.

Tin tốt từ Nam Phi là hy vọng của thế giới

Tuy nhiên, một số nước tỏ ra thận trọng. Họ cảnh báo thế giới không nên phụ thuộc quá nhiều vào dữ liệu y tế của Nam Phi, lưu ý sự khác biệt về độ tuổi của dân số và tỷ lệ lây nhiễm cao đã thúc đẩy khả năng miễn dịch ở quốc gia này. Điều này đi kèm với cái giá phải trả: Trong khi Omicron không gây ra nhiều ca tử vong, nhưng quốc gia này đã mất khoảng 94.000 người trong các làn sóng Covid-19 trước đây. Đây là con số đáng kể ở quốc gia gần 60 triệu dân.

Trong số những người kêu gọi cảnh giác có Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng. Hôm 17/1, ông cho rằng Omicron có phải dấu chấm hết cho đại dịch hay không vẫn là "câu hỏi mở". "Tôi hy vọng như vậy, nhưng trường hợp đó chỉ xảy ra nếu không có thêm biến chủng mới có thể né tránh phản ứng miễn dịch của biến chủng trước đó", ông nói.

Trong khi đó bác sĩ Vivek H. Murthy nhấn mạnh nhiều nơi trên khắp nước Mỹ vẫn chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số ca mắc và ca nhập viện. Ông cho biết Mỹ chưa đạt đỉnh dịch trong những ngày tới.

Những gì diễn ra ở Nam Phi không phải là trường hợp duy nhất. Ở Anh, cũng có những dấu hiệu cho thấy làn sóng Omicron – từng bùng phát nhanh như ở Nam Phi - đang đi đến hồi kết. Quốc gia này đang ghi nhận số ca mắc mới giảm mạnh những ngày gần đây và ca tử vong không tăng đột biến. Các nhà khoa học lạc quan rằng chẳng bao lâu nữa, Covid-19 sẽ không là đại dịch nữa, mà có thể được coi là bệnh đặc hữu ở Anh.

Giáo sư Julian Hiscox, người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm và sức khỏe toàn cầu tại Đại học Liverpool, Anh, đồng thời là thành viên ban cố vấn y tế của chính phủ Anh, cho rằng: “Chúng ta đang gần đến nơi rồi. Bây giờ là khởi đầu cho cái kết của đại dịch, ít nhất là ở Anh".

"Tôi nghĩ cuộc sống năm 2022 sẽ gần như trở lại trước đại dịch", ông cho hay. "Nếu một biến chủng mới có xuất hiện thì chúng cũng sẽ giống như bất kỳ loại virus corona gây cảm lạnh thông thường nào khác. Chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu và hơi đau đầu, sau đó chúng ta sẽ ổn".

Trong khi số ca mắc, nhập viện và tử vong vẫn tăng nhanh tại nhiều vùng ở Mỹ, New York, một trong những nơi đầu tiên trên cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi Omicron, ghi nhận có sự giảm mạnh về số lượng ca mắc. Do đường cong dịch bệnh ở thành phố này gần giống dữ liệu ở Nam Phi và Anh, ngày càng nhiều hy vọng sẽ sớm có tin tốt như thành phố Johannesburg. Đây sẽ là điềm báo tốt lành, ít nhất là đối với Mỹ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.