Indonesia sẽ loại bỏ than đá vào năm 2040

Than đá Indonesia
10:29 - 03/11/2021
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Indonesia hôm qua cho biết, quốc gia sử dụng nhiều than đá bậc nhất thế giới này có thể loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường vào năm 2040 nếu nhận được hỗ đỡ tài chính từ quốc tế .

Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới và có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ tám với tỷ lệ than đá chiếm khoảng 65% tổng năng lượng sử dụng. Đồng thời, đây cũng là nước có ngành xuất khẩu than lớn nhất thế giới hiện nay.

Khi tham dự hội nghị COP26 tại Glasgow (Scotland), Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, nước này sẽ sớm công bố kế hoạch chi tiết để chuyển sang năng lượng sạch với vấn đề then chốt là việc loại bỏ sử dụng năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường nhất là than đá.

Khai thác than tại một mỏ lớn của Indonesia. Ảnh: MT

Khai thác than tại một mỏ lớn của Indonesia. Ảnh: MT

Trước đó, Indonesia từng đưa ra thông báo đang có kế hoạch loại bỏ dần than đá trong ngành nhiệt điện vào năm 2056, như một phần trong kế hoạch nhằm được đạt lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 hoặc sớm hơn.

Bà Sri Mulyani cũng chia sẻ thêm: “Nếu rút ngắn mục tiêu loại bỏ than đá đến năm 2040, thì chúng tôi cần phải có đủ kinh phí để sớm giải quyết các vấn đề liên quan và xây dựng năng lực mới của các loại năng lượng tái tạo thay thế”.

Trước những áp lực về việc cần thiết loại bỏ sử dụng than đá, cải tạo ngành năng lượng xanh toàn cầu, phía Indonesia cũng đặt ra câu hỏi về cách các quốc gia trên thế giới có thể làm gì để giúp Indonesia lúc này.

“Đối với Indonesia, việc giải tán ngành năng lượng than sớm sẽ khiến đất nước này phải trả giá, người dân sẽ phải chịu thiệt thòi, đồng thời ảnh hưởng lớn đến toàn ngành công nghiệp,” bà nói thêm. Indonesia cần nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức đa phương, khu vực tư nhân và các quốc gia phát triển để có thể thực hiện được cam kết môi trường trên.

Kế hoạch loại bỏ than đá tại quốc đảo này cần được đầu tư ước tính từ 150 tỷ USD đến 200 tỷ USD mỗi năm cho các chương trình giảm carbon trong vòng 9 năm tới. Nếu dự án có thể huy động và duy trì được nguồn vốn lớn như vậy, mục tiêu đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 của Indonesia sẽ thực hiện được vào năm 2060 hoặc sớm hơn.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati. Ảnh: Reuters

COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu) vừa diễn ra trong bối cảnh các thảm họa khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và hiện tượng nóng lên toàn cầu do lượng khí thải gia tăng. Đại diện của gần 200 quốc gia đã tham dự hội nghị kéo dài hai tuần đầu tháng 11, với mục đích đi đến thỏa thuận cuối cùng về cam kết cải thiện khí hậu Trái Đất, đưa tương lai nhân loại bước sang một kỷ nguyên xanh và sạch.

Trước đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã đặt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong trường hợp mục tiêu này thất bại, lằn ranh cuối cùng ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu là giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Hội đồng khoa học khí hậu hàng đầu của Liên Hợp Quốc cho biết, nếu vượt quá ngưỡng nhiệt độ này, con người sẽ phải đối mặt với một hành tinh ngày càng khắc nghiệt với lũ lụt và hạn hán ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, mực nước biển dâng nhanh hơn, khiến cuộc sống và sinh kế của người dân gặp nguy hiểm.

Trong các biện pháp để ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và đưa mức phát thải carbon về 0 như mục tiêu chung của thế giới, việc giảm dần và chấm dứt sử dụng năng lượng hóa thạch như than đá tại mỗi quốc gai và chuyển sang năng lượng tái tạo thân thiện môi trường là yếu tố đóng vai trò then chốt.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.