Khai quật hơn 20 bức tượng đồng từ thời La Mã cổ đại tại Italy

Khảo cổ Italy
12:21 - 09/11/2022
Trong thông báo chính thức ngày 8/11, các nhà khảo cổ học Italy cho biết đã phát hiện hơn 20 bức tượng bằng đồng từ thời La Mã cổ đại được bảo quản trong trạng thái vô cùng tốt tại Tuscany, miền trung nước này.

Các bức tượng này được phát hiện tại vùng San Casciano dei Bagni, một thị trấn trên đỉnh đồi ở tỉnh Siena, cách Rome khoảng 160 km về phía bắc. Địa điểm khai quật này cũng là nơi mà vào năm 2019, các nhà khảo cổ học từng khám phá ra tàn tích của một nhà tắm cổ đại và được đặt tên là khu bảo tồn Great Bath.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm 8/11, ông Jacopo Tabolli, người điều phối dự án khai quật, cho biết nhóm khảo cổ đã tìm được tổng cộng 24 bức tượng đồng lớn cùng một số bức tượng nhỏ hơn.

Ông Tabolli cũng cho biết các bức tượng chủ yếu mô tả các thần Hygieia, thần Apollo và các vị thần Hy Lạp - La Mã khác. Chúng đã được sử dụng để trang trí cho khu bảo tồn trước khi bị ngâm nước nóng trong một loại nghi lễ đặc biệt. Theo các nhà khoa học, thời điểm nghi lễ này diễn ra rất có thể là vào khoảng thế kỷ 1 SCN.

Trả lời câu hỏi về mục đích của việc tiến hành nghi lễ này, ông Tabolli giải thích việc này có thể xuất phát từ tâm lý của người cổ đại về việc tặng cho nước nhiều đồ vật và nước sẽ tặng lại họ thứ gì đó.

Các bức tượng đồng này được sử dụng cho một nghi lễ của người cổ đại. Ảnh: Reuters

Các bức tượng đồng này được sử dụng cho một nghi lễ của người cổ đại. Ảnh: Reuters

Về phần hình thức, các bức tượng được bao phủ bởi gần 6.000 đồng xu bằng đồng, bạc và cả vàng. Kết hợp với vùng nước bùn nóng của San Casciano, chúng đã được bảo quản gần như hoàn hảo và đạt trạng thái "gần giống như vào ngày chúng được ngâm” trong nghi lễ.

Nhờ các dấu hiệu này, ông Tabolli nhận định rất có thể chúng đến từ một nơi mà ông gọi là một “khu định cư cao cấp”. Cũng tại nơi này, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy "những chữ khắc bằng tiếng Etruscan và tiếng Latin" với nội dung gồm tên của các gia đình quyền lực tại địa phương.

Các nhà khoa học cho biết các bức tượng được bảo quản trong trạng thái gần như hoàn hảo. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học cho biết các bức tượng được bảo quản trong trạng thái gần như hoàn hảo. Ảnh: Reuters

Trong thông báo của Bộ Văn hóa Italy, hầu hết các bức tượng khai quật được có niên đại từ thế kỷ thứ 2 TCN đến thế kỷ thứ nhất SCN - một giai đoạn "biến đổi lớn ở Tuscany cổ đại" khi nó chuyển từ thời Etruscan sang chế độ La Mã.

Ngoài ra, nó cũng là một kỷ nguyên của “những cuộc xung đột lớn” cùng “giao thoa văn hóa”, trong đó khu bảo tồn Great Bath ở San Casciano đại diện cho một "thiên đường hòa bình đa văn hóa và đa ngôn ngữ độc đáo trong khi xung quanh là bất ổn chính trị và chiến tranh".

Sau khi được khai quật, Bộ Văn hóa cho biết các bức tượng được đưa tới phòng thí nghiệm tại Grosseto gần đó để phục chế rồi cuối cùng sẽ được trưng bày trong một bảo tàng mới tại San Casciano.

Các bức tượng này sẽ được trưng bày sau khi trải qua quá trình phục chế. Ảnh: Reuters

Các bức tượng này sẽ được trưng bày sau khi trải qua quá trình phục chế. Ảnh: Reuters

Nhận định về phát hiện này, ông Tabolli cho biết nó đóng vai trò rất đặc biệt. Ông Massimo Osanna, một quan chức hàng đầu của Bộ Văn hóa, thậm chí còn ca ngợi phát hiện này là một trong những khám phá đáng chú ý nhất "trong lịch sử Địa Trung Hải cổ đại".

Mặt khác, Bộ trưởng Văn hóa Italy Gennaro Sangiuliano chia sẻ phát hiện này là một lời khẳng định rằng Italy chính là “đất nước của những kho báu khổng lồ và độc đáo".

Bộ Văn hóa Italy khẳng định đây là một phát hiện đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong lịch sử Địa Trung Hải cổ đại. Ảnh: Reuters

Bộ Văn hóa Italy khẳng định đây là một phát hiện đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong lịch sử Địa Trung Hải cổ đại. Ảnh: Reuters

Đọc tiếp