Khi các chính phủ cũng 'chơi' mạng xã hội

Mạng xã hội THẾ GIỚI
07:48 - 21/06/2023
Việc chính phủ hiện diện trên mạng xã hội trong thời đại số hiện tại là nhằm giao tiếp và truyền đạt hiệu quả hơn. Ảnh: Getty Images
Việc chính phủ hiện diện trên mạng xã hội trong thời đại số hiện tại là nhằm giao tiếp và truyền đạt hiệu quả hơn. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Với sự phổ biến của mạng xã hội và sự hiện diện cao trên các nền tảng này của người dùng kỹ thuật số trên toàn thế giới, việc chính phủ mở rộng hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội là một xu hướng tất yếu.

Kể từ những ngày đầu được phát triển với mục đích chủ yếu nhằm giúp người trẻ tuổi giao tiếp, kết nối và xây dựng các cộng đồng trực tuyến, các nền tảng mạng xã hội hiện đã trở thành công cụ đa mục đích và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới bởi nhiều lứa tuổi khác nhau.

Theo dữ liệu công bố của Data Reportal, đến đầu năm 2023 trên thế giới có khoảng 4,62 tỷ người dùng mạng xã hội, chiếm khoảng 58,4% tổng dân số. Trong khi đó, báo cáo công bố ngày 22/8/2022 của Statista cho thấy một người dùng mạng xã hội trung bình dành ra 2 tiếng 27 phút mỗi ngày trên các nền tảng này, tăng 2 phút so với số liệu của năm 2021.

Sự phổ biến của mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn phương thức giao tiếp trong xã hội. Ngày nay, mạng xã hội còn được sử dụng cho các mục đích chuyên nghiệp như kinh doanh hay tìm kiếm việc làm ngoài các mục đích kết nối cơ bản. Việc ứng dụng các nền tảng này trong các tổ chức hiện đã trở thành một tiêu chuẩn trong thế kỷ 21, ngay cả đối với các chính phủ.

Trên thực tế, việc hiện diện và hoạt động trên mạng xã hội không còn là vấn đề về sự chọn lựa mà là yêu cầu tất yếu của các chính phủ do phần lớn dân số và cả các nhóm lợi ích chính thức và không chính thức đều sử dụng các nền tảng này.

Sự phát triển của các công cụ truyền thông xã hội trong thập kỷ qua đã làm thay đổi các phương thức giao tiếp giữa chính phủ với công dân của mình, từ đó thay đổi cách mà các vấn đề được thảo luận hàng ngày và mở ra một động lực xã hội mới khi người dân tham gia vào các vấn đề chính trị nhiều hơn.

Là một phương tiện giao tiếp trong thời đại mới, việc chính phủ sử dụng mạng xã hội hiệu quả không chỉ giúp nâng cao nhận thức về chính sách mà còn mở ra cơ hội giao tiếp 2 chiều giữa người dân và cơ quan quản lý. Thông qua hình thức này, chính phủ có thể nhận được phản hồi trực tiếp của người dân cũng như giúp kết hợp các đề xuất trên để đưa ra chính sách cải thiện dịch vụ công.

Tuy không còn sử dụng Twitter, tài khoản của cựu Tống thống Mỹ Donald Trump vẫn nằm trong số tài khoản của nguyên thủ quốc gia có lượng theo dõi cao nhất. Ảnh: Getty Images

Tuy không còn sử dụng Twitter, tài khoản của cựu Tống thống Mỹ Donald Trump vẫn nằm trong số tài khoản của nguyên thủ quốc gia có lượng theo dõi cao nhất. Ảnh: Getty Images

Các nhà lãnh đạo sử dụng mạng xã hội

Mục đích thiết lập và hoạt động trên mạng xã hội của các nhà lãnh đạo thường rất đa dạng. Thông thường, họ dựa vào công cụ này nhằm giao tiếp với người dân trong nước hoặc để cung cấp thông tin về chương trình nghị sự hàng ngày của chính phủ hay để quảng bá các đề xuất lập pháp và quyết định hành pháp mới. Một vấn đề chính trị cũng có thể được gia tăng tính ảnh hưởng thông qua việc nhà lãnh đạo tạo hashtag.

Đặc biệt, mạng xã hội cũng có thể được sử dụng như một công cụ giúp người dân tìm hiểu thêm về cuộc sống cá nhân của các nguyên thủ thế giới, ví dụ như các hình ảnh về khoảng thời gian riêng tư họ dành ra cho gia đình của mình. Từ đó, hình ảnh nhà lãnh đạo trở nên gần gũi và thân thiện hơn.

Các nền tảng như Facebook và Twitter cũng có thể được sử dụng để truyền tải thông điệp tới người dùng quốc tế. Các bài đăng của các nhà lãnh đạo có thể góp phần quảng bá du lịch hay cải thiện hình ảnh của đất nước trước quốc tế.

Trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo cùng sử dụng mạng xã hội, nó còn có khả năng giúp hình thành chiến lược ngoại giao kỹ thuật số. Tuy không thể thay thế cho ngoại giao truyền thống, việc sử dụng mạng xã hội giúp các nhà lãnh đạo giao tiếp trực tiếp với mọi người trên thế giới và thậm chí cả giao tiếp với nhau.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tương tác với một người hâm mộ nhóm nhạc BTS trên Twitter. Ảnh: allkpop

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tương tác với một người hâm mộ nhóm nhạc BTS trên Twitter. Ảnh: allkpop

Hoạt động trên mạng xã hội của nhiều nhà lãnh đạo

Dữ liệu từ nghiên cứu “Phân tâm và chuyển hướng: Cách các nhà lãnh đạo thế giới sử dụng mạng xã hội trong thời kỳ chính trị gây tranh cãi” xuất bản ngày 22/5/2022 trên SAGE Journal cho thấy 184/194 chính phủ của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sở hữu ít nhất một tài khoản mạng xã hội Facebook hoặc Twitter. Con số này chiếm tới 95,3% tổng số các quốc gia thành viên, trừ một số nước châu Phi và Trung Quốc - nơi các nền tảng trên bị hạn chế.

Chính quyền trung ương của nhiều quốc gia đều thành lập các tài khoản cho nhà lãnh đạo của mình hay cho toàn bộ chính phủ nói chung, trong khi nhiều bộ ngành và cơ quan ở cả cấp trung ương và địa phương cũng được thiết lập các tài khoản mạng xã hội riêng.

Một số tài khoản nổi tiếng, ví dụ như tài khoản Twitter dành cho Thủ tướng Vương quốc Anh (@10DowningStreet) thậm chí còn xây dựng được một cộng đồng người theo dõi chiếm tới 8% dân số cả nước (6 triệu).

Tại Mỹ – nền kinh tế số một thế giới, các chính trị gia và các cơ quan chính phủ từ lâu đã sử dụng một cách rộng rãi các phương tiện truyền thông xã hội để tương tác và công bố thông tin cho người dân của mình. Các tài khoản Twitter nổi tiếng nhất của chính phủ Mỹ như tài khoản của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) có tới hơn 73 triệu lượt theo dõi, vượt qua cả dân số của một số quốc gia như Pháp hay Italy.

Trong số các chính trị gia tại Mỹ, các cựu Tổng thống như Barack Obama và Donald Trump đều là những nhân vật quyền lực trên mạng xã hội. Trong những năm nhiệm kỳ của mình, các trạng thái mà ông Obama đăng trên Twitter đều nhận được lượt tương tác cao, ví dụ như một tweet của ông về vấn nạn phân biệt chủng tộc năm 2017 từng nhận về 4,6 triệu lượt thích và 1,7 triệu lượt chia sẻ.

Cựu Tổng thống Donald Trump cũng là một nhà lãnh đạo sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của mình cũng như trong khoảng thời gian ông đương chức. Ông Trump tận dụng tối đa Twitter như một nền tảng để tranh luận, công bố thông tin tới người dân, thông báo về các sự kiện hay thể hiện quan điểm chính trị của chính phủ liên quan tới các vấn đề nóng trên thế giới như vấn đề Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Kể từ sau khi nhận các cáo buộc “kích động bạo lực” trong vụ tấn công Đồi Capitol ngày 6/1/2021 và bị khóa tài khoản Twitter vĩnh viễn, ông Trump đã rời nền tảng này và thành lập một mạng xã hội của riêng mình mang tên Truth Social. Sau khi tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter, tài khoản của ông Trump đã được kích hoạt trở lại, tuy nhiên ông khẳng định mình sẽ không quay trở lại đây.

Bất chấp việc này, tài khoản Twitter @realDonaldTrump hiện vẫn đang là một trong những tài khoản nổi tiếng nhất của một nhà lãnh đạo thế giới khi sở hữu 86,9 triệu người theo dõi.

Một gương mặt có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội nữa không thể kể đến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với 88,7 triệu lượt theo dõi trên Twitter cùng 75 triệu lượt theo dõi trên Instagram. Bằng cách sử dụng mạng xã hội, ông Modi có thể kết nối gần gũi hơn với người dân thông qua việc chia sẻ thông tin về các dự án cơ sở hạ tầng của quốc gia, hình ảnh về các chuyến công du hay những sự kiện ngoại giao với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Nhiều nhà lãnh đạo cũng là những gương mặt nổi tiếng trên mạng xã hội, ví dụ như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với 20,6 triệu lượt theo dõi trên Twitter hay Tổng thống Indonesia Joko Widodo với 19,6 triệu lượt theo dõi.

Ở một diễn biến khác, tại Trung Quốc – nơi các mạng xã hội như Twitter, Facebook hay Instagram bị hạn chế - chính phủ sử dụng Weibo để tương tác với người dân. Với số lượng người dùng đạt 586 triệu hàng tháng tính tới tháng 12/2022, Weibo không chỉ là một nền tảng để tương tác với công chúng mà còn là một nền tảng quan trọng trong chiến lược của chính phủ Trung Quốc.

Cụ thể vào năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một mệnh lệnh của Hội đồng Nhà nước, trong đó chiến lược “Internet + dịch vụ chính phủ” được mô tả là “yếu tố quan trọng” để đạt tới mục tiêu cải thiện và cải cách các dịch vụ công. Kể từ khi mệnh lệnh được ban hành, các bộ và cơ quan chính phủ các cấp tại quốc gia này đều đã mở các tài khoản chính thức trên Weibo.

Báo cáo năm 2019 của Trung tâm Thông tin Mạng lưới Internet Trung Quốc (CNNIC) cho thấy tính tới cuối năm 2018, nền tảng này có 138.253 tài khoản Weibo chính thức của các bộ ngành cấp quốc gia cho tới cấp địa phương.

Ngoài ra, Sina – công ty đứng sau Weibo – cũng hợp tác với tờ People’s Daily (Nhật báo Nhân dân) – cơ quan báo chí trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nhằm đưa ra danh mục và xếp hạng các tài khoản Weibo chính thức của các quan chức và cơ quan chính phủ. Thông qua danh sách này, người dân Trung Quốc có thể tìm được các dịch vụ hoặc cơ quan có liên quan với mục đích của mình và xem xét mức độ tương tác với người dùng của các tài khoản này.

Một bài đăng về Hội nghị Cấp cao ASEAN 2023 của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trên Twitter có tag tài khoản Twitter chính thức của ASEAN và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Một bài đăng về Hội nghị Cấp cao ASEAN 2023 của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trên Twitter có tag tài khoản Twitter chính thức của ASEAN và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Đọc tiếp