Khởi công Nhà máy Nhiệt điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1 trong quý 3

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
18:35 - 09/08/2023
Phối cảnh Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng. Nguồn: VEA.
Phối cảnh Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng. Nguồn: VEA.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai và giải pháp thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG trong Quy hoạch điện VIII.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 13 dự án điện khí LNG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện.

Theo đó, công suất nhiệt điện sử dụng LNG phục vụ nhu cầu trong nước là 22.400 MW (chiếm 14,9% tổng công suất của toàn hệ thống điện). Đây là nguồn điện chuyển tiếp trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, do phát thải CO2 và các chất gây ô nhiễm khác thấp hơn nhiều so với điện than, có khả năng chuyển sang sử dụng hydro khi giá thành sản xuất điện từ hydro hợp lý.

Tại cuộc họp, đại diện các ngành, các cơ quan chức năng thuộc bộ và các địa phương tập trung trao đổi ý kiến, thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án. Từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ để đưa các dự án điện khí LNG vào sử dụng sớm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.

Tại điểm cầu Quảng Trị, Giám đốc Sở Công Thương Lê Tiến Dũng đã báo cáo khái quát tình hình triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1 với công suất quy hoạch là 1.500 MW.

Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị Lê Tiến Dũng báo cáo tình hình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1. Nguồn: Báo Quảng Trị.

Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị Lê Tiến Dũng báo cáo tình hình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1. Nguồn: Báo Quảng Trị.

Theo đó, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Tổ hợp nhà đầu tư gồm liên danh CTCP Tập đoàn T&T - Tổng Công ty Năng lượng Hanwha (HEC) - Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) - Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO).

UBND huyện Hải Lăng cũng đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng; Cấp Giấy phép xây dựng cho tổ hợp nhà đầu tư xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật, hạng mục san nền. Tổ hợp nhà đầu tư cũng đã ký hợp đồng với Viện Năng lượng (tư vấn chính) và tư vấn quốc tế Tractebel (tư vấn phụ) để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo chuyên ngành liên quan.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đấu nối dự án với hệ thống điện quốc gia để giải tỏa công suất; Quan tâm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sau khi đã hoàn thành;

Thống nhất tên gọi của dự án trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan; Có ý kiến về khu vực quy hoạch kho khí (ký hiệu số 9), kho dầu (ký hiệu số 10) có diện tích là 155 ha trong quy hoạch chung để tránh chồng lấn với các quy hoạch phát triển ngành khí, quy hoạch năng lượng, quy hoạch dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu.

Đại diện đầu cầu Bạc Liêu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Cận cho biết, với Dự án LNG Bạc Liêu công suất 3.200MW, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đất thực hiện tổ hợp nhà máy trên bờ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đang tiến hành đấu thầu lựa chọn nguồn cung cấp khí LNG dài hạn cho dự án.

Phối cảnh Dự án LNG Bạc Liêu.

Phối cảnh Dự án LNG Bạc Liêu.

Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường dây 500kV Bạc Liêu - Thốt Nốt (TP Cần Thơ) theo Quy hoạch điện VIII; Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết mua điện của dự án; Bảo đảm thời điểm nhà máy đấu nối lên lưới điện quốc gia theo tiến độ.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để bảo đảm các dự án điện khí được thực hiện đúng tiến độ quy hoạch, đề nghị các địa phương có dự án điện khí LNG đang triển khai cần tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện dự án; Kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường… để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư và để bảo đảm an ninh năng lượng điện, cần kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.

Đối với các dự án chưa có nhà đầu tư, các địa phương cần khẩn trương rà soát, bổ sung dự án vào quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Đối với các dự án đã chọn được nhà đầu tư, yêu cầu địa phương phải làm việc với nhà đầu tư và ký cam kết bằng văn bản quy định rõ tiến độ triển khai cũng như các chế tài xử lý nếu để chậm tiến độ.

Cho ý kiến về tiến độ triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu tổ hợp nhà đầu tư hoàn thành và trình báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) chậm nhất trong tháng 9/2023 để thẩm định, phê duyệt và quyết tâm khởi công dự án trong quý III/2024.

Đối với một số đề xuất, kiến nghị của địa phương liên quan đến vấn đề quy hoạch, hạ tầng truyền tải, tên gọi dự án…, Bộ sẽ có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể nhằm hỗ trợ địa phương, nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là sẽ khẩn trương tiến hành thẩm định và thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan khi nhà đầu tư trình đủ hồ sơ dự án theo quy định.

Đối với Dự án LNG Bạc Liêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị nhà đầu tư phải đàm phán hợp đồng mua bán điện trước tháng 12/2023. Bên cạnh đó, tỉnh phải triển khai khởi công dự án vào giữa năm 2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp