Chuyến tàu nhập khẩu khí LNG đầu tiên cập cảng Cái Mép

PV GAS Vũng Tàu
15:26 - 10/07/2023
Tàu Maran Gas Achilles tiến vào Kho cảng LNG Thị Vải. Nguồn: PV GAS.
Tàu Maran Gas Achilles tiến vào Kho cảng LNG Thị Vải. Nguồn: PV GAS.
0:00 / 0:00
0:00
Lúc 10h sáng ngày 10/7, con tàu đảm nhận sứ mệnh chở chuyến hàng LNG đầu tiên về Việt Nam mang tên Maran Gas Achilles đã tiến vào cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Với khối lượng gần 70.000 tấn LNG trị giá khoảng 830 tỷ đồng được nhập từ cảng Bontang (Indonesia), tàu Maran Gas Achilles cập cầu cảng PV GAS để cung cấp toàn bộ lượng LNG cho quá trình chạy thử và vận hành chính thức kho LNG Thị Vải, chính thức đánh dấu sự kiện đầu tiên và quan trọng nhất trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).

Để đảm bảo công tác tiếp nhận tàu an toàn, tuân thủ theo các quy định hàng hải, Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT), đơn vị trực thuộc PV GAS được giao nhiệm vụ chủ trì trong công tác hàng hải liên quan đến tiếp nhận tàu LNG, phối hợp chặt chẽ cùng các bên liên quan để xây dựng phương án đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu LNG trọng tải tới 100.000 DWT cập/rời cảng. Phương án này đã được Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt, theo đó các điều kiện hàng hải cần thiết cho công tác tiếp nhận tàu đã được sẵn sàng.

Tuy tàu Maran Gas Achilles không lớn so với các siêu tàu container thường cập cảng Cái Mép - Thị Vải, trọng tải toàn phần cũng nhỏ, nhưng vì lý do an toàn cho chuyến tàu LNG nhập khẩu đầu tiên nên CTCP Dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu đã điều hai hoa tiêu ngoại hạng có kinh nghiệm là Phạm Trung Tín, Lê Ngọc Dương dẫn tàu từ phao số 0 vào cảng. Tàu đi từ phao số 0 vào cảng an toàn tuyệt đối.

Khi cập thành công vào cầu cảng, LNG từ tàu Maran Gas Aschilles được bơm vào bồn chứa LNG (dạng full containment) dung tích 180.000 m3 thông qua hai cần nạp có kích thước DN500 và hệ thống đường ống nhập có kích thước DN900, đường tuần hoàn DN80.

Sơ đồ công nghệ Kho LNG Thị Vải. Nguồn: PV GAS.

Sơ đồ công nghệ Kho LNG Thị Vải. Nguồn: PV GAS.

Kho LNG Thị Vải được thiết kế với lưu lượng nhập LNG tối đa là 11.000 m3/h. Bồn chứa LNG có hai đường nhập sản phẩm là đường nhập đỉnh và đường nhập đáy. Đồng thời, với quá trình nhập LNG từ tàu cập tại cảng vào bồn chứa, LNG cũng sẽ được các bơm thấp áp bơm liên tục ra khỏi bồn chứa, sau đó được nâng áp qua bơm cao áp và tái hóa thành khí bằng hệ thống gia nhiệt.

Dòng khí tái hóa đi qua hệ thống đo đếm thương mại để cấp cho các “địa chỉ” đang cần nguồn năng lượng này. Một phần khí được cung cấp vào trạm thấp áp để giảm áp suất và cung cấp cho các khách hàng tiêu thụ khí áp suất thấp tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3.

Khí LNG sẽ được phân phối đến các khách hàng theo 2 phương thức: qua đường ống (LNG được tái hóa khí và bơm vào đường ống để cấp cho khách hàng) hoặc cung cấp bằng xe bồn/kho LNG vệ tinh (vận chuyển bằng xe bồn đến khách hàng xa hệ thống đường ống, bồn chứa tại các kho vệ tinh để tái hóa khí và cung cấp cho khách hàng).

Để đảm bảo nguồn cung LNG ổn định, PV GAS đã làm việc và ký kết nhiều hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến với nhiều nhà cung cấp LNG lớn đến từ nhiều khu vực xuất khẩu khác nhau trên thế giới, trong đó có nhiều nhà cung cấp lớn đến từ Mỹ, khu vực Châu Âu, Trung Đông, Châu Á.... Các Nhà cung cấp LNG cũng rất đa dạng, từ nhà sản xuất đến các công ty thương mại.

Việc hợp tác với các nhà cung cấp LNG lớn, danh tiếng tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới sẽ giúp PV GAS linh hoạt hơn trong việc lựa chọn nguồn cung ứng với các điều khoản thương mại tối ưu.

Chủ tịch HĐQT PV GAS Nguyễn Thanh Bình đã có mặt tại cảng để chúc mừng và động viên toàn thể đội ngũ nhân viên đã nỗ lực cho “thời khắc lịch sử” của ngành công nghiệp Khí Việt Nam. Nguồn: PV GAS.

Chủ tịch HĐQT PV GAS Nguyễn Thanh Bình đã có mặt tại cảng để chúc mừng và động viên toàn thể đội ngũ nhân viên đã nỗ lực cho “thời khắc lịch sử” của ngành công nghiệp Khí Việt Nam. Nguồn: PV GAS.

Bên cạnh việc nhập khẩu LNG để bổ sung cho nguồn khí nội địa bị thiếu hụt, PV GAS sẽ đẩy mạnh cung cấp LNG nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện mới và hộ công nghiệp trong tương lai.

Tin liên quan

Đọc tiếp