Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 3 tháng cuối năm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
11:08 - 13/09/2022
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 3 tháng cuối năm
0:00 / 0:00
0:00
Về triển vọng dài hạn, Chứng khoán ACB (ACBS) tin rằng các thị trường niêm yết của Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển cùng với nền kinh tế nói chung. Theo đó, ở kịch bản lạc quan, ACBS nhận định chỉ số có thể đạt mức 1.500-1.600 điểm.

Sau những biến động tiêu cực của thị trường chứng khoán trong suốt quý 2/2022, thị trường bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi cả về chỉ số và thanh khoản. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng tháng 8, VN-Index chốt ở mốc 1.290,51 điểm, tăng 6,15% so với tháng 7. Dẫu vậy, chỉ số đại diện sàn HoSE vẫn giảm 14,53% so với cuối năm 2021.

Giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên trên HoSE tháng gần nhất lần lượt đạt 15.607 tỷ đồng và 626,87 triệu cổ phiếu, tương ứng mức tăng 35,68% và 27,18% so với tháng trước. Đáng chú ý, thanh khoản bình quân trong tháng 8 trên HoSE đã vượt 3 tháng trước đó.

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh, kỳ vọng vào tăng trưởng GDP cao cho phần còn lại của năm 2022, doanh thu bán lẻ tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh đó, tâm lý thị trường được cải thiện sau khi có dấu hiệu lạm phát đạt hoặc gần đạt đỉnh sau khi các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ và CPI trong nước thấp sau khi giá xăng dầu giảm và việc nới room tín dụng cho các ngân hàng vừa được công bố cũng tác động tích cực cho thị trường chung.

Hiện tại, VN-Index đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn cho cả nhà đầu tư dài hạn và ngắn hạn với mức tăng trưởng thu nhập ước tính ở mức 19% cho năm 2022, 13% cho năm 2023, cao hơn mức trung bình của thị trường ASEAN và P/E dự phóng là 12,4 lần cho năm 2022 và 11 lần cho năm 2023, thấp hơn mức trung bình của các thị trường ASEAN trong năm 2022 và 2023.

Về triển vọng dài hạn, ACBS tin rằng các thị trường niêm yết của Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển cùng với nền kinh tế nói chung. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô với triển vọng lạc quan trong dài hạn và sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết.

Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết sẽ phát triển thị trường vốn và vấn đề chỉ là thời gian cho đến khi thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI nâng cấp thành thị trường mới nổi. Điều này sẽ mở ra cánh cửa cho một lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào thị trường.

Mặt khác, ACBS cũng nhấn mạnh vẫn có rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt chủ yếu đến từ bên ngoài, với lạm phát toàn cầu tiếp tục ở mức cao và quyết định tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương khác tác động đến thị trường chứng khoán trên toàn thế giới trong ngắn hạn do các nhà đầu tư lo ngại tác động tiêu cực đến kinh doanh và tiêu dùng.

Bên cạnh đó, lãi suất Mỹ tăng thường khiến vốn nước ngoài rời khỏi các thị trường mới nổi do lợi suất tăng ở các thị trường phát triển, tuy nhiên cho đến nay chưa thấy có sự rút vốn mạnh ra khỏi thị trường khu vực hoặc Việt Nam.

Ba kịch bản cho VN-Index trong 3 tháng cuối năm

Dù số liệu lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh, nhưng lo ngại về lạm phát và hành động mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là cuối năm, gây áp lực lên tâm lý trong ngắn hạn. ACBS cho rằng thị trường sẽ bình thường hóa vào năm 2023, còn những tháng cuối năm 2022 thị trường sẽ tiếp tục giao dịch quanh mức định giá như giai đoạn kể từ khi thị trường chuyển sang tâm lý bi quan từ tháng 4.

Trong kịch bản cơ sở, các chuyên gia ACBS duy trì triển vọng thu nhập đạt 19% vào cuối năm 2022 được dẫn dắt bởi lĩnh vực ngân hàng, vận tải, bất động sản và tiện ích. Mặc dù thị trường dự báo sẽ khởi sắc trong ba tháng cuối năm trên cơ sở thu nhập doanh nghiệp ổn định và môi trường vĩ mô có thể duy trì quỹ đạo hiện tại trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn, song việc đạt được mức định giá trung bình của ba năm gần đây, tức là 15,5 lần, sẽ là một thách thức.

Do đó chỉ số sẽ giao dịch tại mức khoảng 13,7 lần thu nhập (thấp hơn khoảng 1SD so với mức trung bình ba năm), tương đương với chỉ số khoảng 1.400 điểm vào cuối năm.

Trong kịch bản lạc quan, dựa trên việc nối lại các chuyến bay quốc tế trên thế giới kết hợp với hiệu ứng tích cực từ gói tài chính tiền tệ của Việt Nam giúp cho thu nhập doanh nghiệp vượt kỳ vọng và tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn vào cuối năm khi các vấn đề thế giới và trong nước được giải quyết hoặc có dấu hiệu đáng kể cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua. Dựa trên kịch bản đó, ACBS cho rằng chỉ số có thể đạt mức 1.500-1.600 điểm.

Trong kịch bản bi quan, ACBS thấy sự bất ổn và sợ hãi tiếp tục bao trùm các thị trường toàn cầu với lo ngại ngày càng tăng về lạm phát, cách các ngân hàng trung ương sẽ phản ứng nhanh và mạnh bằng cách tăng lãi suất và kinh tế giảm tốc ở Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng của chuỗi cung ứng toàn cầu, hoặc các biến thể mới của Covid-19 đe dọa các hoạt động kinh tế. Khi đó thu nhập giảm so với kỳ vọng của chúng tôi và định giá thị trường giảm do sự thờ ơ của các nhà đầu tư mới vốn đã ủng hộ thị trường trong thời gian gần đây.

Trong kịch bản này, chỉ số nỗ lực để tăng điểm vào cuối năm và kết thúc ở mức khoảng 12,5 lần thu nhập để đưa chỉ số đến quanh mức 1.200 điểm.

Trong khi đó, nhận định về triển vọng của thị trường trong thời gian tới, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, những yếu tố nội tại tích cực sẽ là động lực hỗ trợ diễn biến thị trường chứng khoán. Điểm tích cực là các dữ liệu vĩ mô của Việt Nam tốt hơn kỳ vọng, và những giải pháp cải thiện hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán đang được nhà điều hành thực hiện.

Đưa ra kỳ vọng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia của VDSC cho rằng, thị trường sẽ dao động trong biên độ hẹp do tác động đan xen cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Bất chấp triển vọng ảm đạm toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phục hồi bền bỉ, giúp Việt Nam Đồng giảm giá ít hơn so với các đồng nội tệ khác trong khu vực như Thái Lan, Phillipines, Malaysia và Indonesia.

Do đó, dòng tiền từ nhà đầu nước ngoài tiếp tục quay trở lại Việt Nam như ghi nhận trong 5 tháng gần đây. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, thực phẩm, đồ uống, bán lẻ và dầu khí sẽ luân phiên vai trò hỗ trợ VN-Index chinh phục mốc 1.300 điểm.

Trong khi đó, những diễn biến tiêu cực từ thế giới như Fed nâng lãi suất, các vấn đề của Trung Quốc hay căng thẳng địa chính trị sẽ là những rủi ro giảm đối với thị trường chứng khoán. Trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng VN-Index dao động trong khoảng 1.250 - 1.315 điểm.

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.