Kinh tế năm 2024: Con tàu Việt Nam sẵn sàng vươn ra biển lớn

KINH TẾ Việt nAM
08:26 - 01/01/2024
Kinh tế năm 2024: Con tàu Việt Nam sẵn sàng vươn ra biển lớn
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng với chặng đường kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Với tất cả thế - lực - đà, Việt Nam đã sẵn sàng đương đầu gió ngược, trên hành trình căng buồm vươn ra biển lớn.

Vượt cơn gió ngược

Năm 2023, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam tiếp tục có xu hướng phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý 4/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp các tháng trong năm 2023 diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là các tháng cuối năm. Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với năm trước.

Năm 2023, lần đầu tiên giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất về quy mô với 625,3 nghìn tỷ, tăng 21,2 % so với năm trước. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đóng góp, tạo sự lan tỏa trong tăng trưởng kinh tế. Vốn FDI thực hiện cả năm ước đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sẵn sàng vượt ra biển lớn

Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% - 6,5%. Trao đổi với Mekong ASEAN về con số này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024 bao gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tiếp đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023, giá sản phẩm lương thực tăng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Lĩnh vực dịch vụ cũng được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, từ đó tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác.

Cùng với đó, đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Dòng vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trở thành quốc gia đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga,...

Đề cập đến một số giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam cũng cần phải theo dõi sát, từ đó có sự chủ động và phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh.

Đồng thời, phải đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước, mở rộng tiêu dùng nội địa. Các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử phải thực hiện có hiệu quả.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới; tận dụng tốt các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.

Song song đó, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế-xã hội cũng như các địa phương trong vùng.

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh, bà Nguyễn Thị Hương nêu quan điểm.

Năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường kinh tế giai đoạn 2021-2025. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương

Đọc tiếp