Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 có dấu hiệu suy giảm
Kể từ giữa năm 2021, triển vọng kinh tế toàn cầu đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Theo thống kê từ báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của MBS, tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu hiện dự kiến là 5,7% vào năm 2021, tức giảm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 7/2021 và 4,8% cho năm 2022, tức cải thiện 0,2% so với dự báo tháng 7/2021.
Dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương khác, như Indonesia và Úc đã bị hạ đáng kể kể từ tháng 7 đến nay. Ngược lại, ước tính cho khu vực đồng tiền chung châu Âu, Đông Âu và Mỹ Latinh của năm 2021 lại được cải thiện mạnh mẽ.
Hoạt động kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong quý II/2021. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Delta Covid-19 dễ lây lan cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài đã kéo chậm đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Tại các nền kinh tế lớn, tỷ lệ tiêm chủng tính đến tháng 10/2021 hiện dao động ở mức 55-75%, trong khi tỷ lệ này ở các nền kinh tế kém phát triển hơn vẫn còn ở mức khá thấp. Dự báo đến năm 2023, các nền kinh tế mới nổi ngoại trừ Trung Quốc mới đạt tỷ lệ tiêm chủng khoảng 50% tổng dân số.
Sự cách biệt rõ ràng về tỷ lệ tiêm chủng cũng dẫn đến tốc độ mở cửa kinh tế khác nhau, đồng nghĩa tốc độ phục hồi khác nhau. Trong khi mức GDP của các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ trở lại như mức trước đại dịch vào năm 2022, mức GDP của các nền kinh tế mới nổi và trung bình dự kiến sẽ ở mức dưới 3% so với trước đại dịch vào năm 2022.
Báo cáo kinh tế vĩ mô do Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) công bố gần đây cũng chỉ ra thực tế một số nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn phần còn lại của thế giới, trong khi số khác dự kiến sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi. Chẳng hạn, VEPR dự báo nền kinh tế Mỹ và Hàn Quốc đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch trong khi châu Âu được cho rằng phải mất tới 3 năm, Mexico và Nam Phi thậm chí sẽ mất tối đa 5 năm.
Đà phục hồi nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế lớn đã thúc đẩy giá cả nhiều hàng hóa đồng loạt tăng cao do chuỗi cung ứng không đáp ứng kịp xu hướng tăng nhanh của nhu cầu và thương mại hàng hóa thế giới. Giá dầu thô tiếp tục đà leo thang từ đầu năm, với giá dầu Brent chuẩn quốc tế tăng từ 52,1 USD/thùng vào tháng 1 lên 84,68 USD/thùng ở thời điểm hiện tại do mất cân bằng cung cầu. Giá than đá Úc tăng mạnh 185,7 USD/tấn chỉ trong quý III do nhu cầu tăng đột biến.
Kinh tế Việt Nam trước triển vọng phục hồi mạnh mẽ
Sự bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đã khiến nền kinh tế Việt Nam đối diện tình trạng đình trệ, nứt gãy chuỗi cung ứng.
Tuy vậy, trong báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam mới nhất, các nhà phân tích Maybank Kim Eng nhận định kinh tế Việt Nam đang đứng trước triển vọng phục hồi rõ rệt thông qua "sự hồi sinh của nhiều ngành công nghiệp chủ chốt."
Sản lượng công nghiệp tháng 10 giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một sự phục hồi mạnh mẽ từ mức giảm 7,6% ghi nhận trong tháng 9. Trong đó, lĩnh vực sản xuất giảm 1,6% (so với mức giảm 6,5% hồi tháng 9), khai khoáng tăng 7,2% (so với mức giảm 13% tháng 9), điện và khí đốt tăng 2,4% (so với mức giảm 11,7% tháng 9). Sự phục hồi ngoạn mục nhất xuất hiện trong các ngành bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng giãn cách xã hội các tháng trước đây như may mặc (tăng 10,3%), đồ gỗ (tăng 8,3%).
Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,1%), đóng góp 3,99 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng trưởng tích cực 0,3% nhờ sự nới lỏng các biện pháp hạn chế kiểm dịch và giãn cách xã hội. Trong đó, nổi bật là mức tăng 13,1% của xuất khẩu máy móc, 8,3% của xuất khẩu linh kiện điện tử và máy tính. Đà tăng của kim ngạch nhập khẩu có dấu hiệu giảm tốc, với mức tăng chỉ 8,1% (so với mức 10,2% hồi tháng 9). Như vậy trong tháng, cán cân thương mại thặng dư 1,1 tỷ USD, tháng thặng dư thứ hai liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt 1,5 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu máy móc tăng 13,1%, kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử và máy tính tăng 8,3% trong tháng kết thúc vào ngày 21/10/2021 (Ảnh: Maybank Kim Eng) |
Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những quý tiếp theo được nhận định phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine, hiệu quả hoặc phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch và các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng.
Maybank Kim Eng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 có thể rơi xuống mức 1%, tức thấp hơn nhiều so với ước tính tăng trưởng khoảng 3,0-3,5% mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồi tháng trước. Dự báo dựa trên giả định các hoạt động sản xuất - thương mại dần phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tuy nhiên khu vực dịch vụ vẫn chịu tác động tiêu cực chưa từng có khi tâm lý tiêu dùng suy yếu đáng kể và mối quan ngại về diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường.
Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, Maybank Kim Eng kỳ vọng mức tăng GDP khoảng 6,7% khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn, khu vực dịch vụ phục hồi và tỷ lệ tiêm chủng bắt kịp phần còn lại của ASEAN.
Lạc quan hơn Maybank Kim Eng, các nhà kinh tế từ VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Trong kịch bản xấu, nếu tình hình bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát, tình trạng “đóng – mở” lặp lại ở một số địa phương xuất hiện các ca nhiễm gây thiệt hại cho sản xuất, tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an, chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp thì tăng trưởng GDP năm nay có thể chỉ đạt 1,0-1,5%.
Trong kịch bản lạc quan hơn, nếu chuỗi sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy, hoạt động sản xuất và tiêu dùng hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn, tình trạng phong tỏa như trong quý III không lặp lại, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 2,0-2,5%.
Hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021 do VEPR xây dựng |
Hồi đầu tháng 10, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống khoảng 3% sau khi dữ liệu GDP quý III nước ta ghi nhận mức giảm tốc chưa từng có (-6,17%).
Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” mới nhất của IMF thì lạc quan hơn khi dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ước đạt 3,8% trong năm nay, tức dẫn đầu nhóm ASEAN-5 (ngoại trừ Singapore) với mức tăng trưởng bình quân cao hơn Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Cảnh báo rủi ro lạm phát
Trên thị trường toàn cầu, các hạn chế về nguồn cung kéo dài do diễn biến phức tạp của đại dịch đang đặt ra trở ngại lớn khác đối với sự phục hồi kinh tế. Những giới hạn cung này diễn ra đồng thời với sự gia tăng đáng kể của nhu cầu trên toàn cầu khi một số nền kinh tế lớn ghi nhận tốc độ phục hồi mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung - cầu trầm trọng và lạm phát giá cả ngày càng gia tăng.
Lạm phát tại một số quốc gia lớn trên toàn cầu |
Tình trạng thiếu container vận chuyển, tắc nghẽn cảng biển, thiếu tài xế xe tải, thiếu năng lực sản xuất chip máy tính, thiếu điện ở Trung Quốc và Ấn Độ và chi phí hàng hóa toàn cầu tăng đều là những hạn chế chính về nguồn cung. Theo dự báo của OECD, những yếu tố này được ước tính đã làm tăng lạm phát trên toàn thế giới thêm khoảng 1,5% trong quý III/2021. Đối với một số đầu vào và ngành sản xuất, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đáng kể được dự báo sẽ kéo dài đến năm 2022 và thậm chí là năm 2023 khi đà phục hồi tăng dần.
Tại Việt Nam, dù lạm phát được cho là chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô nhưng VEPR dự báo tình hình vĩ mô có nguy cơ trở nên dễ tổn thương hơn trong giai đoạn tới, khi ẩn số về khu vực doanh nghiệp còn chưa rõ ràng.
Lạm phát cơ bản trong tháng 10 hiện ở mức thấp (0,5%) do nhu cầu còn yếu, nhưng áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm do sự tăng mạnh của giá sản xuất trong thời gian qua sẽ dần được chuyển vào giá tiêu dùng, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm mất cân bằng cung cầu và nhu cầu hồi phục nếu bệnh dịch được khống chế.
Maybank Kim Eng dự báo lạm phát toàn phần có thể ở mức 2,3% vào cuối năm 2021 và 3,8% trong năm 2022. Theo Maybank Kim Eng, áp lực lạm phát có nguy cơ tăng mạnh trong năm 2022 khi nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, mức giá nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu cũng gây áp lực lớn với đà lạm phát ở nền kinh tế trong nước.
Lạm phát cơ bản tại Việt Nam ở mức 0,5% trong tháng 10 trong khi lạm phát toàn phần ở mức 1,8% |
Theo đó, để kiểm soát rủi ro lạm phát song song duy trì đà tăng trưởng kinh tế, VEPR đưa ra 3 khuyến nghị cho Chính phủ: một là đẩy nhanh tiến độ và quy mô tiêm chủng về các địa phương, hai là thực hiện các gói tài khóa tập trung vào cung cấp trang thiết bị y tế và hỗ trợ người lao động mất việc (đặc biệt là khu vực phi chính thức) và lao động quay trở lại các địa phương, ba là thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng (đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%) đi kèm các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.