Lạc quan về tăng trưởng nhiều nhóm ngành quý II/2022

TĂNG TRƯỞNG Việt nAM
18:20 - 08/05/2022
Lạc quan về tăng trưởng nhiều nhóm ngành quý II/2022
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) mới công bố báo cáo triển vọng ngành quý II/2022. Theo đó, một số ngành như bất động sản, thép hay ngân hàng... được đánh giá đầy tiểm năng.

Với ngành bất động sản, nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp năm 2022 sẽ vẫn khả quan nhờ một số yếu tố.

Đơn cử như nguồn cung hạn chế và nhu cầu phục hồi vẫn là yếu tố giúp giá cho thuê đất khu công nghiệp duy trì ở mức cao; hoạt động sản xuất kinh doanh không còn bị gián đoạn do dịch bệnh; vấn đề pháp lý được giải quyết giúp các doanh nghiệp có thể triển khai để đáp ứng nhu cầu và cuối cùng là triển vọng về cải thiện hạ tầng giao thông được đẩy nhanh trong trung hạn.

Cộng thêm, tháng 3/2022 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 với tổng diện tích khu công nghiệp trên cả nước kế hoạch đến năm 2025 đạt 152.800 ha và năm 2030 đạt 210.900 ha. Do đó, dư địa phát triển của ngành bất động sản rất dồi dào.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý I/2022 và kế hoạch kinh doanh 2022 của hầu hết nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết đều cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland - NVL) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I/2022 đạt gần 1.046 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021 do ghi nhận thu nhập từ hoạt động mua bán sáp nhập.

Năm 2022, NVL đặt mục tiêu thu hơn 35.970 tỷ đồng, tăng 21.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp dự kiến lập kỷ lục 6.500 tỷ đồng, tăng 88% so với năm trước. Nếu thành công, đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ khi công ty thành lập đến nay.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) ghi nhận lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận tăng trưởng 45% so với cùng quý 1/2021, đạt 299,8 tỷ đồng. Phần lớn trong khoản lợi nhuận này đến từ khoản thu nhập khác trong báo cáo kết quả kinh doanh của công ty, đạt 343 tỷ đồng, so với 12 tỷ đồng năm ngoái.

Năm 2022, KDH đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, tương ứng tăng 7% và 16% so với 2021. Cổ tức năm 2022 dự kiến là 10%.

Với nhóm ngành thép, theo tính toán của BSC, sản lượng tiêu thụ thép năm nay dự kiến sẽ tăng 9%-12% nhờ hai yếu tố: nhu cầu xây dựng trong nước phục hồi và nhu cầu cao ở thị trường nhập khẩu.

Dẫu vậy, BSC cũng đưa ra cảnh báo, biên lợi nhuận gộp của nhóm doanh nghiệp thép sẽ chịu ảnh hưởng khi giá nguyên vật liệu đầu vào biến đổi.

Nhóm ngành ngân hàng, BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ tốt hơn so với dự báo trước đó, cụ thể lên mức 36,4% (so với mức 22,2% trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi thấp hơn trong năm 2021.

Trong năm 2022, nhóm phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14.0% là hoàn toàn khả thi và có thể ở mức từ 14%-16%. Trong quý I/2022, nhiều ngân hàng đã cho vay hết hạn mức tín dụng được cấp đầu năm và kỳ vọng sẽ được cấp thêm room trong quý II/2022. Bên cạnh đó, nhờ những chính sách mới của chính phủ, dòng vốn tín dụng sẽ được trải rộng ra các ngành nghề sản xuất kinh doanh từ đó giúp tăng trưởng thị trường bền vững trong tương lai.

Trước đó, trong báo cáo nhận định về ngành ngân hàng năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo lợi nhuận trước thuế bình quân của các ngân hàng tăng 21% so với năm 2021. Dự báo này chưa bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance), thoái vốn công ty con...

Trong khi đó, theo đánh giá của CTCP Chứng khoán BIDV, với việc giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng và nguồn cung trong ngắn hạn sẽ phục hồi, nhóm doanh nghiệp dầu khí cũng được hưởng lợi. Ngoài ra, một số dự án dầu khí cũng sắp được khởi công trong thời gian tới.

Ngoài ra, các nhóm ngành tiêu dùng, bán lẻ, lương thực, cảng biển, dệt may, thủy sản đều đứng trước cơ hội lớn trong năm 2022. Tình hình xuất khẩu tích cực là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tăng trưởng, cộng với việc trạng thái bình thường mới khiến một số doanh nghiệp bắt đầu cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh doanh của mình để thích ứng.

Nhìn rộng ra trong cả năm 2022, tại Tọa đàm “Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới" diễn ra mới đây, TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia đã đưa ra nhận định tổng quan về các ngành kỳ vọng phục hồi mạnh nhất trong năm 2022.

Thứ nhất là những ngành liên quan đầu tư công. Theo TS Trần Toàn Thắng, Chính phủ đang đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công. Tất cả những ngành liên quan như sắt thép, xi măng sẽ là một trong những ngành có triển vọng tăng trưởng tốt khi mà các công trình đầu tư công được đồng loạt triển khai xây dựng.

Thứ hai là nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Ông Thắng đánh giá với tốc độ phục hồi cầu thì triển vọng mở rộng sản xuất được từ những ngành này sẽ tương đối tốt.

Nhóm ngành thứ ba liên quan đến phục hồi trong nước là nhóm ngành bán lẻ, được kỳ vọng tiềm năng tăng trưởng tốt hơn so với ngành khác.

Ngoài ra, ông Thắng còn đề cập đến nhóm ngành công nghệ thông tin cũng kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt.

Nói thêm về các yếu tố hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế, TS.Trần Toàn Thắng cho biết chính sách mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là sự mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3 là điều kiện cơ sở cho quá trình phục hồi.

Tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép Chính phủ gỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt, gây gián đoạn. Cùng với đó, sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất cả nước - nơi vốn bị tổn hại nặng nề và thiếu hụt lao động nghiêm trọng sau làn sóng dịch thứ 4 trong năm 2021.

Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Cộng hưởng với tác động của Chương trình phục hồi kinh tế. Các gói kích cầu nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng sẽ như một “cú huých” tới tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Một số ngành được đánh giá ở mức trung lập

Bên cạnh những nhóm ngành được đánh giá tích cực trong quý II/2022, BSC cũng giữ quan điểm trung lập với một số nhóm ngành.

Ví dụ tiêu biểu là nhóm doanh nghiệp xây dựng. Theo đó, BSC nhận định mùa cao điểm triển khai và lợi nhuận của ngành xây dựng là năm 2023. Giá vật liệu xây dựng tăng cao và phải trích lập quỹ dự phòng cho những khoản nợ khó đòi cũng khiến cho nhóm xây dựng chịu ảnh hưởng.

Với nhóm bảo hiểm, sự cạnh tranh lớn sẽ khiến thị phần các doanh nghiệp đầu ngành thay đổi. Tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ cũng có xu hướng giảm trong năm 2021.

Với ngành hàng không, BSC kì vọng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ, đạt 75-80 triệu lượt. Dẫu vậy, ngành hàng không vẫn được xếp vào nhóm trung lập. Các doanh nghiệp ngành điện cũng được xếp vào nhóm trung lập khi chu kỳ La Nina tiếp diễn là tin tích cực với các nhà máy thủy điện, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhà máy nhiệt điện than & khí.

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.