Lâm Đồng cho ý kiến về tình hình đầu tư KĐT Nam sông Đa Nhim

bđs Lâm đồng
11:26 - 23/06/2022
Sông Đa Nhim, Lâm Đồng.
Sông Đa Nhim, Lâm Đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Đức Trọng vừa đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đẩy nhanh tiến độ về các hồ sơ, thủ tục liên quan; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực để triển khai Khu đô thị Nam sông Đa Nhim.

UBND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) vừa có báo cáo về việc cập nhật tình hình triển khai các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Trong đó có quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng được UBND huyện phê duyệt với tổng diện tích gần 154 ha. Gồm 44,29 ha đất ở; 6,39 ha đất công trình công cộng dịch vụ đô thị; 4,51 ha đất công cộng đơn vị ở; 24,83 ha đất cây xanh – thể dục thể thao; 6,33 ha đất mặt nước và 67,26 ha đất giao thông, bãi đỗ xe và công trình hạ tầng kỹ thuật.

Sau khi đồ án quy hoạch được phê duyệt, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND thị trấn Liên Nghĩa quản lý chặt chẽ tại khu vực quy hoạch, hạn chế tối đa việc xây dựng, chuyển mục đích, mở đường không phù hợp với quy hoạch.

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam Sông Đa Nhim được phê duyệt, Tập đoàn FLC đã lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, huyện này cho biết, vào tháng 3/2022 vừa qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư có văn bản về việc dừng xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị nói trên.

Trước sự việc trên, UBND huyện Đức Trọng thông tin, sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước tại khu vực thực hiện dự án, quản lý chặt chẽ khu vực quy hoạch được duyệt, hạn chế tối đa việc xây dựng, chuyển mục đích, mở đường không phù hợp với quy hoạch, phối hợp trong công tác tuyên truyền, giải phóng mặt bằng…

Song song với đó, UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh và các Sở, ngành chức năng đôn đốc thực hiện đẩy nhanh tiến độ về các hồ sơ, thủ tục liên quan; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để triển khai.

Tháng 4/2022, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng có Công văn số 749 về việc năng lực tài chính dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim của CTCP Tập đoàn FLC.

Theo đó, dự án do Tập đoàn FLC đề xuất có diện tích sử dụng đất gần 154 ha với tổng mức đầu tư hơn 13.587 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu gần 2.471 tỷ đồng và vốn huy động hơn 11.116 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2027.

Theo Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, về vốn chủ sở hữu, điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của chủ đầu tư phải “Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên".

Như vậy, theo quy định Công ty phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư, tương ứng với vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án là 2.038 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính năm 2020, nguồn vốn chủ sở hữu của FLC tại thời điểm 31/12/2020 gần 13.425 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thẩm định doanh nghiệp chưa có báo cáo tài chính năm 2021 nên Sở Tài chính không đủ cơ sở để tham gia ý kiến về vốn chủ sở hữu bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của chủ đầu tư.

Về khả năng huy động vốn, ngày 17/6/2021, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) chi nhánh Long Biên - Hà Nội đã có văn bản cam kết cấp tín dụng số 29/2021/034/CKTD-MSB (có hiệu lực đến hết ngày 17/6/2024).

Qua đó, ngân hàng cam kết thu xếp tài chính hoặc là đầu mối thu xếp tài chính cho Tập đoàn FLC với số tiền không vượt quá 11.116 tỷ đồng để thực hiện dự án nói trên nếu công ty đáp ứng đầy đủ các quy định của Ngân hàng và pháp luật tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.