Lâm Đồng đặt mục tiêu đến 2050 trở thành thành phố trực thuộc trung ương

QUY HOẠCH Lâm đồng
13:19 - 23/06/2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao quyết định quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao quyết định quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, tỉnh sẽ suy nghĩ và hành động với tư duy đổi mới và quyết tâm cao, biến những ý tưởng quy hoạch thành hiện thực, để nội dung quy hoạch trên trang giấy và những hình ảnh tươi đẹp trên video clip đi vào cuộc sống.

Ngày 23/6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức "Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng". Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham dự.

Bốn yếu tố đảm bảo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng diễn biến đúng hướng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt có yếu tố văn hoá rất đặc sắc, đặc biệt là về đất và người nơi đây. Phó Thủ tướng mong rằng Lâm Đồng giữ được điều này, và giữ được điều này tin rằng Lâm Đồng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài những tiềm năng đã được định vị, Lâm Đồng nay có những tiềm năng mới. Cũng trong sáng 23/6, Lâm đồng đã công bố có cửa khẩu quốc tế Liên Khương. Ngoài ra, tới đây, có rất nhiều tuyến cao tốc kết nối với Lâm Đồng với các vùng còn lại của đất nước.

"Trên cơ sở những thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao mà Lâm Đồng đã làm được đã tạo ra niềm tin để phát triển mạnh mẽ, có thể xem Lâm Đồng là nơi khởi đầu và là ví dụ mẫu mực của nông nghiệp công nghệ cao," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Về vấn đề quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần nhớ 8 chữ: Tuân thủ; Linh hoạt; Đồng bộ và Thấu hiểu.

Trong đó, tuân thủ là để đảm bảo đúng hướng, không chệch hướng, đảm bảo sự phát triển của bền vững của vùng này trong tương lai.

Linh hoạt là cần linh hoạt trong cách làm. Bởi để đạt được mục tiêu có nhiều cách. Ngay cả những mục tiêu không có giá trị cốt lõi thì các đồng chí cũng hoàn toàn có thể được quyền đề nghị điều chỉnh, bởi vì câu chuyện của ngày mai nói đã khó, còn đây là câu chuyện của 6 năm sau và tầm nhìn đến 26 năm sau, chắc chắn sẽ có nhiều cái khác.

Sự đồng bộ, theo Phó Thủ tướng, ngoài quy hoạch của ngày hôm nay thì sẽ còn nhiều quy hoạch khác nữa như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch nhỏ hơn… Vì vậy, nếu không có sự đồng bộ thì sẽ không làm được gì cả và lãnh đạo cũng không biết phương hướng để mà điều hành.

Thấu hiểu là những người có trách nhiệm phải thấu hiểu để làm, người dân và doanh nghiệp cũng cần thấu hiểu để đồng hành với chính quyền. Có như vậy quy hoạch mới được thực hiện thành công.

Lâm Đồng phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người.

Cũng tại hội nghị, ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng luôn nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng cũng như tập trung cao độ cho công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, hồ sơ quy hoạch tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thống nhất; UBND tỉnh tổ chức các Hội nghị, Hội thảo khoa học để lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và cộng đồng dân cư, các tổ chức và cá nhân theo quy định.

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, Lâm Đồng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo; tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; phát triển giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; quản lý và bảo vệ rừng; xử lý ô nhiễm môi trường; bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa.

Tập trung hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối, tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hệ thống đô thị bền vững; hình thành các tổ hợp về du lịch, dịch vụ và công nghiệp; phát triển du lịch chất lượng cao, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng.

Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Về quy hoạch hệ thống đô thị, định hướng phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong vùng. Gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống đô thị của tỉnh gồm 17 đô thị, trong đó một đô thị loại I, một đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận (Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng), 3 thị xã, 3 huyện.

Trong đó, khu vực nội thành gồm: TP Đà Lạt mở rộng (TP Đà Lạt hiện hữu và huyện Lạc Dương) và 5 xã, thị trấn thuộc huyện Lâm Hà (thị trấn Nam Ban, các xã Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh); TP Bảo Lộc mở rộng (TP Bảo Lộc hiện hữu và 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm: Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc Tân); huyện Đức Trọng.

Khu vực ngoại thành gồm 3 thị xã Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh và 3 huyện gồm Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai (huyện Đạ Huoai gồm 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên sáp nhập).

Phát biểu cuối hội nghị, ông Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chia sẻ, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 chỉ là bước đầu, còn nhiều việc phải tiếp tục suy nghĩ và hành động với tư duy đổi mới và quyết tâm cao, biến những ý tưởng quy hoạch thành hiện thực, biến ước mơ thành hành động, để nội dung quy hoạch trên trang giấy và những hình ảnh tươi đẹp trên video clip đi vào cuộc sống.

"Chúng tôi cam kết, tỉnh Lâm Đồng sẽ luôn đồng hành, hợp tác cùng các doanh nghiệp, tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng và hiệu quả. Đồng thời quyết tâm phấn đấu để tỉnh Lâm Đồng phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh, đáp lại tình cảm của lãnh đạo Trung ương, các tỉnh bạn, các doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Lâm Đồng," Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng được phê duyệt, toàn tỉnh sẽ có 227 dự án ưu tiên, trong đó có 36 dự án lĩnh vực giao thông vận tải, 11 dự án công nghiệp, 34 dự án văn hóa, thể thao và du lịch; 36 dự án lĩnh vực y tế; 20 dự án thương mại, dịch vụ; 62 dự án khu dân cư, đô thị; 12 dự án phát triển nông nghiệp…

Một số dự án trọng tâm, trọng điểm gồm Khu du lịch quốc gia Đankia- Suối Vàng, Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, Cao tốc Nha Trang - Liên Khương, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Liên Khương, Tổ hợp nhà máy tuyển bauxit và chế biến alumin, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt, Cảng cạn tại huyện Đức Trọng và TP Bảo Lộc…

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cà Mau: Từ con tôm đến ngành kinh tế mũi nhọn

Cà Mau: Từ con tôm đến ngành kinh tế mũi nhọn

Cà Mau – vùng đất cực Nam Tổ quốc nổi tiếng với sản phẩm tôm và cũng đóng vai trò chủ lực trong ngành này của Việt Nam. Cùng nỗ lực chung, tỉnh không ngừng phát triển và ngày càng khẳng định vị thế con tôm Cà Mau trên trường quốc tế.
Độc đáo ngành kinh tế sen tại Đồng Tháp

Độc đáo ngành kinh tế sen tại Đồng Tháp

Để phát huy giá trị kinh tế sen, Đồng Tháp đang xây dựng chiến lược quy hoạch tổng thể và dài hơi hơn cho cây sen, từ đó phát huy tối đa giá trị cây sen trên lĩnh vực văn hóa lẫn kinh tế và hòa nhập với xu hướng phát triển chung của sen quốc tế.