Lạm phát năm 2022 dự báo sẽ được kiểm soát ổn định dưới mức 4%

VĨ MÔ Việt nAM
16:24 - 05/03/2022
Lạm phát năm 2022 dự báo sẽ được kiểm soát ổn định dưới mức 4%
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) về kinh tế vĩ mô tháng 3, dự báo lạm phát tại Việt Nam năm nay sẽ tăng 3,8%, dưới mức mục tiêu 4,0% mà Quốc hội đưa ra, bất chấp biến động đáng kể trên thị trường năng lượng và hàng hóa thế giới.

Theo nhận định của MAS, kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là tín hiệu sáng từ doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng với mức tăng trưởng dương 3 tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu cũng duy trì đà hồi phục khi các doanh nghiệp, nhà máy khôi phục hoạt động với công suất dần quay trở lại mức trước dịch nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa và thế giới.

Sản xuất và xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi

Về sản xuất, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tiếp tục khởi sắc với tốc độ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 2 tháng đầu năm, IIP tăng trưởng 5,4%, cao hơn mức hồi phục cùng kỳ năm 2021 là 4,8%.

Động lực tăng trưởng đến từ ngành chế biến chế tạo với mức tăng 6,1%; trong đó một số ngành công nghiệp cấp II tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái bao gồm ngành sản xuất thiết bị điện (tăng 27,9%), sản xuất trang phục (tăng 20,1%), sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 15%), sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 9,7%).

Một chỉ số quan trọng khác của lĩnh vực công nghiệp là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) theo dõi bởi IHS Markit cũng đạt 54,3 điểm, tháng thứ năm liên tiếp vượt mốc trung lập 50 điểm. Con số này phản ánh sự mở rộng hoạt động sản xuất và tăng trưởng đơn hàng mạnh nhất trong 10 tháng trở lại đây.

Dựa trên nền tảng phục hồi của 2 tháng đầu năm và xem xét các điều kiện kinh doanh, nhóm nghiên cứu MAS nhận định sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi vững chắc trong phần còn lại của năm 2022 nhờ chủ trương “sống chung với COVID-19” xuyên suốt cũng như sự phục hồi của nhu cầu cả trong và ngoài nước.

Về xuất nhập khẩu, trong tháng 2 kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 22,95 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái còn nhập khẩu đạt 25,28 tỷ USD, tăng 21,9%. Tốc độ tăng cao của nhập khẩu dẫn tới nhập siêu ước tính 2,33 tỷ USD trong tháng. Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu khoảng 937 triệu USD.

MAS kỳ vọng xuất khẩu sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhờ nhiều yếu tố lạc quan như hoạt động sản xuất kinh doanh khôi phục, công suất hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường; nhu cầu trên thị trường thế giới tăng lên cùng với đà phục hồi và mở cửa; sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu và việc tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do lớn.

Tuy nhiên, có một số rủi ro có thể tác động đến đà phục hồi của sản xuất và xuất khẩu là nguy cơ thiếu hụt lao động khi số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, nhất là khi rủi ro địa chính trị gia tăng.

Tiêu dùng nhiều tín hiệu khởi sắc

Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 2, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trong đó đáng chú ý là sự hồi phục đáng kể của nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 12,6% so với tháng 2/2021) và dịch vụ lữ hành (tăng 39,4%) nhờ hiệu ứng tiêu dùng và các hoạt động lễ hội trong tháng cận Tết, trong và sau Tết.

Tính chung 2 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhờ thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và khôi phục một số đường bay quốc tế, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm bước đầu khởi sắc khi ghi nhận 49.200 lượt khách quốc tế, tức tăng 71,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia MAS duy trì quan điểm lạc quan về sự hồi phục của doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong năm 2022 dựa trên nhiều yếu tố như nhu cầu gia tăng trở lại khi nền kinh tế dần phục hồi; thu nhập người lao động cải thiện khi quay trở lại thị trường lao động, từ đó thúc đẩy chi tiêu; chính sách giảm thuế giá trị gia tăng góp phần kích thích tiêu dùng và cuối cùng là kỳ vọng ngành du lịch khởi sắc khi Việt Nam mở cửa đường bay đón khách quốc tế từ 15/3 tới.

Đầu tư công là động lực quan trọng cho sự hồi phục kinh tế

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong 2 tháng đầu năm ước đạt 46,3 nghìn tỷ, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 8,8% kế hoạch năm.

Chứng khoán MAS nhận định đầu tư công là động lực quan trọng cho sự hồi phục kinh tế trong thời gian tới, nhất là khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trị giá 347 nghìn tỷ sẽ được giải ngân trong giai đoạn 2022-2023, trong đó dự kiến chi đầu tư phát triển hạ tầng chiếm khoảng 32% tổng giá trị gói, tương đương hơn 113 nghìn tỷ. Ngoài ra, theo kế hoạch của Bộ Tài chính trình Quốc hội, chi đầu tư phát triển trong năm 2022 tăng 7,4% so với thực hiện năm 2021.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong 2 tháng đầu năm ước đạt 4,23 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vốn FDI giải ngân ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2%.

Mặc dù mức giảm vốn đăng ký trong 2 tháng đầu năm, MAS kỳ vọng thu hút FDI của Việt Nam năm nay vẫn tăng trưởng nhờ sự thích ứng với trạng thái bình thường mới của toàn nền kinh tế kết hợp với chính sách bình thường hóa đi lại tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khảo sát và làm các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam được nhận định vẫn đang hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu với lợi thế về vị trí địa lý và chi phí lao động rẻ.

Dự báo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao và tỷ lệ tử vong do COVID-19 rất thấp, nhóm nghiên cứu MAS kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ giữ vững đà khôi phục trong năm 2022 với dự phóng tăng trưởng GDP khoảng 5,7% nhờ 4 động lực chính: tiêu dùng phục hồi, thu hút nguồn vốn FDI tiếp tục tăng, đầu tư công được chú trọng và xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp được nhận định sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế.

Đáng chú ý, trong bối cảnh giá năng lượng và nguyên vật liệu toàn cầu tăng mạnh do tác động từ chiến sự ở Ukraine, báo cáo của MAS vẫn duy trì dự báo lạm phát được kiểm soát ổn định ở mức 3,8% trong năm nay, dưới mức mục tiêu 4,0% mà Quốc hội đưa ra nhờ vào chính sách đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn có rủi ro lạm phát gia tăng do các yếu tố như giá nhiên liệu và các loại hàng hóa tiếp tục gia tăng mạnh trước diễn biến căng thẳng ở Ukraine, đà phục hồi nhu cầu của thế giới gây mất cân bằng cung cầu và cuối cùng là tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ và các gói hỗ trợ kinh tế lớn trong nước.

Cập nhật dự báo các chỉ số kinh tế theo báo cáo tháng 3/2022 của MAS (Nguồn: MAS)

Cập nhật dự báo các chỉ số kinh tế theo báo cáo tháng 3/2022 của MAS (Nguồn: MAS)

Tin liên quan

Đọc tiếp