Loạt doanh nghiệp lớn muốn tham gia đại dự án cao tốc Bắc - Nam

giao thông Việt nAM
05:47 - 11/04/2022
Nhiều doanh nghiệp đang bày tỏ nguyện vọng xin nhận thầu xây dựng các đoạn cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải hiện chưa đưa ra tiêu chí để chọn nhà thầu cho dự án tầm cỡ lịch sử này.

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho xây dựng dự án thành phần Hàm Nghi - Vũng Áng, thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025. Đơn vị này cam kết nghiêm chỉnh thực hiện hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải; huy động mọi nguồn lực để thi công đảm bảo rút ngắn tiến độ từ 3 đến 6 tháng; tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng)…

Xây dựng Xuân Trường là một trong nhiều công ty do ông Nguyễn Văn Trường (người nổi tiếng với việc đầu tư khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình) làm chủ. Đơn vị từng thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông như quốc lộ 1, quốc lộ 10 qua tỉnh Ninh Bình; cao tốc nối TP Hạ Long đến cầu Bạch Đằng; tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, qua địa phận tỉnh Hà Nam, Hưng Yên…

Tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Xuân Trường là nhà thầu độc lập được lựa chọn để thi công dự án Cao Bồ - Mai Sơn và đã hoàn thành vào năm 2021.

Dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có chiều dài dự kiến khoảng 54km, với tổng mức đầu tư là 10.185 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công. Đây là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 có tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, dài 729 km; trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau; tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 11/2021. Theo nghị quyết của Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn; phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Thủ tướng quyết định chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng). Thủ tướng cũng quyết định chỉ định thầu với các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Việc này được thực hiện trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Giao thông Vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Trước Xuân Trường, nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực giao thông cũng đã có văn bản xin được nhận thầu thi công tại dự án lần này.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh xin được đảm nhận thi công dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ, với cam kết vượt tiến độ 6 tháng. Dự án có tổng chiều dài 68 km, điểm đầu thuộc địa phận xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và điểm cuối thuộc địa phận thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Dự án có tổng mức đầu tư là 10.591 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư công.

Trường Thịnh là doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, từng tham gia nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1; đường Hồ Chí Minh; đường xuyên Á. Đơn vị này cũng là thành viên liên danh nhà đầu tư, tự thực hiện đường cao tốc La Sơn - Túy Loan với tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng được bàn giao vào tháng 7/2021; tham gia với tư cách là nhà thầu chính các gói thầu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45.

CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) đề xuất được chỉ định thầu các gói thầu xây lắp của một số dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với chiều dài khoảng 100 km. Tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Trung Nam E&C liên danh cùng Vinaconex là nhà thầu gói thầu số XL-14 tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45; trị giá 2.498 tỷ đồng, thời gian thực hiện 24 tháng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trung Nam E&C còn góp mặt trong dự án cầu Mỹ Thuận 2 khi liên danh cùng hai công ty khác thực hiện gói thầu XL03B trị giá 1.516 tỷ đồng.

Ngoài các doanh nghiệp trên, theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), nhiều doanh nghiệp khác như Đèo Cả, Him Lam, Hòa Bình, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, Hưng Thịnh... cũng đã xin được chỉ định thầu thông qua việc lập các liên danh nhà thầu hoặc là nhà thầu độc lập cho các dự án cao tốc Bắc Nam sắp triển khai. Các ứng viên đều cam kết huy động tài chính, thiết bị và tổ chức thi công công trình khoa học, bảo đảm chất lượng, thậm chí cam kết rút ngắn tiến độ 3-6 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải chưa đưa ra tiêu chí để chọn nhà thầu cho các dự án cao tốc Bắc Nam. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữa tháng 3 đã đưa ra một số khung tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu. Bộ này đề xuất các nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công công trình có hạng mục tương tự trước đó, phải đáp ứng nguồn lực tài chính, đặt cọc hoặc ký quỹ một khoản kinh phí nhất định, ưu tiên nhà thầu có khả năng huy động nguồn lực sẵn có về vật liệu, nhân lực, thiết bị.

Đồng thời, để tránh tình trạng chia nhỏ gói thầu hay tập trung chỉ định cho một số nhà thầu dẫn đến không đảm bảo tiến độ, chất lượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung một số tiêu chí như không phân chia một dự án thành quá nhiều gói thầu, quy mô gói thầu phù hợp khả năng triển khai của nhà thầu trong nước.

Khác với đấu thầu là gửi hồ sơ dự thầu, ở phương thức chỉ định thầu, nhà thầu sẽ gửi thư quan tâm tới chủ đầu tư. Trong thư quan tâm phải nêu ra năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, đồng thời phải có cam kết cụ thể để thuyết phục chủ đầu tư chỉ định mình. Phía chủ đầu tư sau khi nhận thư quan tâm của nhiều nhà thầu sẽ sàng lọc, lựa chọn mời sơ tuyển.

Trong cơ chế chỉ định thầu, doanh nghiệp xây lắp vẫn phải chuẩn bị thứ đầu tiên là năng lực thi công. Tiếp đến là tìm hiểu xem gói thầu có phù hợp với năng lực cốt lõi của mình hay không. Nếu phù hợp thì mới tính đến chiến thuật cạnh tranh, giảm giá để được chủ đầu tư lựa chọn.

Theo quy định tại Nghị quyết 18 của Chính phủ, doanh nghiệp được chỉ định thầu xây lắp phải đưa ra mức giá thấp hơn giá dự toán khoảng 5%. Mục đích của quy định này là để chọn ra nhà thầu có năng lực quản lý vận hành tốt. Doanh nghiệp càng lớn, vận hành càng chuyên nghiệp thì lợi nhuận kiếm được càng cao, từ đó mới có khả năng chiết khấu thêm cho chủ đầu tư 5% chi phí.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.