Lợi nhuận đạt kỷ lục, MB Bank mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro

NGÂN HÀNG Việt nAM
11:58 - 28/01/2022
Tỷ lệ CASA của MB Bank đang đứng thứ 2 toàn ngành.
Tỷ lệ CASA của MB Bank đang đứng thứ 2 toàn ngành.
0:00 / 0:00
0:00
Với chỉ số ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) hợp nhất lần lượt đạt 2,4% và 23,49% năm 2021, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) nằm trong nhóm ngân hàng thương mại hàng đầu về các chỉ số hiệu quả và chất lượng hoạt động.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2021, Ngân hàng TMCP Quân đội – MB Bank (MBB) ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong quý cuối cùng của năm; đạt gần 10.117 tỷ đồng doanh thu, cao hơn 31% so với cùng kỳ năm 2020, tương đương mức tăng ròng hơn 2.400 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng lần lượt 7% và 70% nhưng lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 của MB Bank vẫn đạt 4.643 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ.

Tính tổng năm 2021, thu nhập của MBB đạt 36.934 tỷ đồng, cao hơn 35% so với năm 2020. Trong đó, thu nhập lãi thuần đóng góp gần 71% tỷ trọng, tương đương gần 26.200 tỷ đồng, còn lại là lãi thuần tới từ các mảng dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán…

Trong khi đó, chi phí hoạt động cũng tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm trước, lên mức 12.400 tỷ đồng. Trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu 8.030 tỷ đồng, tăng 31% so với 2020.

Kết quả, MB Bank đạt lãi trước thuế 16.527 tỷ đồng, tăng hơn năm trước 55%. Sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận của cổ đông thiểu số, ngân hàng thu về 12.697 tỷ đồng.

Tăng trưởng lợi nhuận của MB Bank qua các năm.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của MBB tăng 23% so với đầu năm, lên mức hơn 607.140 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này được hỗ trợ chủ yếu nhờ tiền gửi khách hàng (tăng 23,7%, đạt gần 384.700 tỷ đồng) và vốn điều lệ tăng gần 10.000 tỷ đồng, hiện ở mức 37.783 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh, từ 41% lên 49%, đạt gần 190.000 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cho vay khách hàng tăng 22%, ở mức 363.554 tỷ đồng. Chất lượng nợ vay gần như đi ngang, nợ xấu tăng 1% so với cuối năm 2020, với 3.268 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 1,09% đầu năm xuống còn 0,9%, riêng ngân hàng là 0,68%.

Đáng chú ý, Quỹ dự phòng nợ xấu của ngân hàng theo nhóm là 175%, trong đó 100% dành cho nợ có khả năng mất vốn, 50% cho nợ nghi ngờ, 20% cho các khoản nợ dưới tiêu chuẩn và 5% cho khoản nợ cần chú ý. Còn quỹ dự phòng cho nợ quá hạn là 250% với nợ trên 3 năm 100%, nợ từ 2 đến dưới 3 năm 70%, nợ từ 1 đến dưới 2 năm 50%, nợ từ 6 tháng đến dưới 1 năm 30%.

Trong năm qua, cổ phiếu MBB cũng ghi nhận năm bứt phá nhất, từ vùng giá 17.000 đồng lên mức đỉnh 32.000 đồng. Sang năm 2022, cùng với đà tăng của nhóm bank, MBB tiếp tục leo dốc và phiên sáng 28/1 đã chinh phục cột mốc mới là 33.900 đồng.

Cổ phiếu của ngành ngân hàng tăng bình quân 36,6% trong năm 2021, cao hơn 2,8% so với chỉ số VN-Index. Trong đó, MBB nằm trong nhóm cổ phiếu tăng với hiệu suất cao, khoảng 50%-90%. Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng Cổ phiếu ngân hàng 2022, Chứng khoán SSI nhận định chất lượng tín dụng sẽ là rủi ro cho ngân hàng yếu kém, nhưng lại là cơ hội cho ngân hàng tốt.

Công ty chứng khoán này lạc quan về triển vọng của những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và/hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu như VCB, ACB, MBB, CTG, TCB.

Tin liên quan

Đọc tiếp