VDSC: Nhóm ngân hàng thương mại tư nhân lớn sẽ đạt lợi nhuận tốt trong năm 2022

NGÂN HÀNG Việt nAM
10:27 - 19/01/2022
VDSC: Nhóm ngân hàng thương mại tư nhân lớn sẽ đạt lợi nhuận tốt trong năm 2022
0:00 / 0:00
0:00

Theo nhận định của VDSC, hoạt động kinh doanh các ngân hàng năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì tích cực, trong đó khối tư nhân dự kiến có tốc độ tăng trưởng phục hồi dần về phía cuối năm, điểm rơi lợi nhuận dự kiến vào quý II và quý III.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, năm 2022 việc các điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy cung - cầu về tín dụng.

Chính sách tiền tệ hỗ trợ năm 2022 sẽ tiếp tục được duy trì với dự kiến sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua tăng trưởng tín dụng. Kết hợp với điều kiện thanh khoản ổn định trong ngắn hạn, VDSC kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nay.

Trong năm 2022, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ đó nâng mức tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vào năm 2022 tăng lên khoảng 14%.

Chuyên gia VDSC cũng đưa ra nhận định: “Chúng tôi cũng dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 13-14%, tương đương mục tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ có thể có bất ngờ tích cực phụ thuộc vào lạm phát và kết quả của gói kích thích, do đó trong các dự báo trong tương lai có thể tăng lên bất cứ khi nào khi các lý do trở nên vững chắc”.

Về huy động, VDSC dự đoán sẽ có sự ổn định trong tăng trưởng. Tăng trưởng huy động năm 2021 được dẫn dắt bởi khu vực doanh nghiệp, trong khi tăng trưởng năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến sự phục hồi của tiền gửi dân cư. Tuy nhiên, VDSC vẫn cho rằng tiền gửi doanh nghiệp sẽ có tốc độ tăng tốt hơn. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng (13-14%) sẽ vẫn cao hơn huy động (10-11%).

Sự phân hóa giữa tăng trưởng tín dụng và huy động tiếp tục duy trì sẽ dần tác động đến thanh khoản của ngành ngân hàng, VDSC dự đoán áp lực thanh khoản giữa các ngân hàng sẽ phân hoá.

Tựu trung, theo VDSC, triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 tiếp tục được cải thiện trên nền tảng chính sách tiền tệ mở rộng, nền kinh tế phục hồi và rủi ro nền kinh tế cải thiện, trong khi áp lực tăng lãi suất dự kiến chỉ xuất hiện cuối năm 2022 và phân hóa từng ngân hàng.

Ngân hàng tư nhân sẽ đón ‘điểm rơi’ lợi nhuận vào quý II và quý III/2022 ( ảnh minh họa)

Ngân hàng tư nhân sẽ đón ‘điểm rơi’ lợi nhuận vào quý II và quý III/2022 ( ảnh minh họa)

Theo khảo sát của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng định hướng nới khẩu vị rủi ro theo đà phục hồi kinh tế và điều chỉnh theo diễn biến thực tế. Do đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ bùng nổ dần về phía cuối năm trên nền tảng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được giải ngân dần. Về gói cấp bù lãi suất, VDSC cho rằng sẽ mang lại sự hỗ trợ tích cực cho phía doanh nghiệp nhiều hơn và trực tiếp hơn so với các ngân hàng thương mại.

“Trên nền tảng vĩ mô thuận lợi, chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh doanh các ngân hàng năm 2022 nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì tích cực. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ có tốc độ tăng trưởng phân hóa và độ biến động lớn theo quý. Khối tư nhân dự kiến có tốc độ tăng trưởng phục hồi dần về phía cuối năm, điểm rơi về lợi nhuận dự kiến là quý II – quý III/2022”, phía VDSC nhìn nhận.

Cụ thể hơn, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân lớn sẽ có tốc độ và chất lượng tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn nhóm ngân hàng nhỏ. Các yếu tố hỗ trợ bao gồm chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, tăng vốn, nới mức trần sở hữu nước ngoài và phí trả trước phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, nhưng vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng quy mô vừa trở lên.

Bên cạnh đó, VDSC kỳ vọng nhóm ngân hàng quốc doanh được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kỳ vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài trong quý I/2022.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cũng cho biết, ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện các giải pháp để kiểm soát quy mô tín dụng một cách linh hoạt, nhắm vào các hoạt động thương mại và sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên phù hợp với chính sách của Chính phủ.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thiên tại, dịch bệnh, đồng thời thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, NHNN sẽ tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực quản trị và tài chính, tăng tính minh bạch và tuân thủ thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngân hàng Trung ương cũng sẽ đẩy mạnh kiểm soát và xử lý nợ xấu, giảm thiểu nợ xấu mới, ngăn chặn sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, nhất là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.