Lãi suất tiết kiệm thấp, người dân không mặn mà gửi tiền vào ngân hàng

TÀI CHÍNH Việt nAM
14:54 - 25/01/2022
Lãi suất tiết kiệm thấp, người dân không mặn mà gửi tiền vào ngân hàng
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh dịch bệnh, người dân đã không còn mặn mà gửi tiết kiệm khi lãi suất ngân hàng không cao. Thay vào đó, dòng tiền có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư rủi ro hơn nhưng mang lại những cơ hội sinh lời hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản…

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 7,68% so với cuối năm 2020. Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 10,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 6% so với hồi đầu năm.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng tiền gửi cư dân (không tính tổ chức, doanh nghiệp) vào hệ thống ngân hàng đạt gần 5,277 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.400 tỷ đồng so với mức ghi nhận cuối tháng 10.

Điều này cho thấy, người dân đã không còn quá mặn mà gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, thay vào đó là vào các kênh đầu tư rủi ro nhưng cơ hội sinh lời cũng hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản…

Trước đó, tiền gửi của người dân trong tháng 8 và tháng 9 cũng ghi nhận sụt giảm mạnh. Và chỉ bật tăng trong tháng 10 với mức tăng 8.500 tỷ đồng.

Trái với những năm trước, tiền gửi của cư dân vào hệ thống thường chỉ có dấu hiệu suy giảm nhẹ ở nửa đầu năm nhưng sẽ tăng nhanh ở nửa cuối năm. Với số dư tiền gửi giảm liên tiếp trong những tháng cuối năm như trên là điều hiếm thấy.

Thậm chí, nếu tính chung 11 tháng đầu năm 2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng gần 135.100 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 2,63%. Đây là mức tăng 11 tháng thấp nhất kể từ khi số liệu này được Ngân hàng Nhà nước công bố.

Trái với tiền gửi cư dân, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng vẫn tăng hơn 153.200 tỷ đồng trong tháng 11. Luỹ kế từ đầu năm, tiền gửi tổ chức tăng hơn 525.600 tỷ đồng, tương đương tăng 10,78%.

Điều này chứng tỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa thể quay lại quỹ đạo bình thường, dòng vốn dành cho hoạt động sản xuất vẫn được tạm gửi tại các ngân hàng.

Theo giới chuyên gia, do làn sóng COVID-19 vẫn có diễn biến phức tạp, các kế hoạch hồi phục của doanh nghiệp chưa thể hiện thực hoá khiến thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động cũng đang ở mức thấp so với nhiều năm, nên người dân chuyển sang đầu tư ở các kênh khác như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản…

Lãnh đạo một số ngân hàng cho hay, không chỉ mặt bằng lãi suất huy động thấp mà việc cho vay vốn cũng không dễ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều ngân hàng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nên không thể duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức cao.

Ngoài ra, lãi suất tiền gửi quá thấp sẽ xảy ra hiện tượng người dân rút tiền gửi khỏi ngân hàng, chuyển sang các kênh đầu tư khác, gây ra những bất ổn đối với nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có thể bị đặt trong tình trạng thiếu thanh khoản, dẫn đến thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, khách hàng đứng trước thực tế phải cạnh tranh để được vay vốn.

Điều này khiến cho lãi suất cho vay bị đẩy lên, nếu không thì chi phí không chính thức vay vốn cũng tăng lên, chứ không thể giữ thấp được. Như vậy, mục đích giữ lãi suất cho vay thấp sẽ không thành.

Nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi

Để đáp ứng nhu cầu kinh doanh tăng mạnh cuối năm, nhiều ngân hàng mới đây đã công bố biểu lãi suất tiền gửi và điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Việc tăng lãi suất cũng một phần do chịu áp lực cạnh tranh khi nhiều người chuyển tiền nhàn rỗi sang đầu tư chứng khoán thời gian qua.

Nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất tiền gửi, đồng thời triển khai các sản phẩm tiết kiệm khác với lãi suất cạnh tranh nhằm thu hút tiền nhàn rỗi của người dân. Chẳng hạn như VPBank, SHB hay Sacombank với mức tăng trung bình từ 0,2 – 0,3%, có trường hợp tăng mạnh đến 0,9%/năm.

Trong đó, VPBank tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn cho khách hàng cá nhân. Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất huy động cho kỳ hạn từ 1-36 tháng là từ 3,2-6,3%/năm. Đặc biệt, lãi suất huy động tăng mạnh ở các khoản tiền gửi lớn như với hạn mức từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất từ 3,7-5,7%/năm, tăng từ 0,1-0,6 điểm phần trăm so với tháng trước; từ 10 tỷ đồng trở lên, lãi suất huy động dao động từ 3,9-6,3%/năm, tăng 0,3-0,9 điểm phần trăm.

Tương tự, Sacombank cũng vừa tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,2 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn. Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất của Sacombank là 6,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Xu hướng tăng còn xuất hiện tại nhiều ngân hàng khác như Techcombank, NamABank, OceanBank, SCB…

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất tiền gửi sẽ tăng 0,3 – 0,5 điểm phần trăm trong năm 2022. Cũng theo công ty này, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại do 3 yếu tố chính: Nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng; áp lực lạm phát trong năm 2022 và cả sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.

Còn ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 0,2 -0,25 điểm %/năm tại các ngân hàng lớn. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2022 sẽ tăng nhẹ quanh ngưỡng 0,25-0,5 điểm %/năm, đặc biệt là vào nửa cuối năm.

Đồng quan điểm, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022.

Theo KBSV, lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa và chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN cũng khiến lãi suất tăng trở lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.