Lợi nhuận gộp của Xây dựng Hoà Bình teo tóp, vay nợ tăng

HBC Xây dựng
15:01 - 27/07/2022
Xây dựng Hoà Bình bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu lên cao.
Xây dựng Hoà Bình bị ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu lên cao.
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu thuần tăng 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên biên lãi gộp suy giảm khiến lợi nhuận đi lùi.

Cụ thể, tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Xây dựng Hoà Bình đạt 4.080 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là 3.179 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn bán hàng lên tới 3.946 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp teo tóp còn 134 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm từ 6,1% về còn 3,3%.

Mặc dù doanh thu tài chính có tăng gấp 1,8 lần lên 183 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính cũng tăng mạnh lên 142 tỷ đồng (cùng kỳ là 80 tỷ đồng). Trong đó, riêng chi phí lãi vay chiếm 147 tỷ đồng.

Cộng thêm khoản chi phí doanh nghiệp tăng, kết quả, HBC báo lãi sau thuế 50 tỷ đồng, giảm 13,9% so với cùng kỳ. Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 7.063 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ đồng, giảm 10,6%. Như vậy, so với mục tiêu 17.500 tỷ đồng doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm, công ty mới hoàn thành 40% và 17,4% kế hoạch.

Kết thúc quý 2/2022, tổng tài sản của Xây dựng Hoà Bình đạt 18.255 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.

Nợ phải trả cũng tăng từ 12.520 tỷ đồng hồi đầu năm lên 14.431 tỷ đồng. Khoản tăng đến từ phải trả người bán, người mua trả tiền trước, vay và nợ thuê tài chính. Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 398 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.074 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn cũng tăng 761 tỷ đồng lên 5.460 tỷ đồng. Tổng cộng, HBC đang vay nợ 6.534 tỷ đồng, chiếm 35,8% tổng nguồn vốn.

Xét về dòng tiền, lưu chuyển tiền tệ trong hoạt động kinh doanh của Hoà Bình âm 1.364 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, cùng kỳ dương 691 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm 200 tỷ đồng. Trong khi đó dòng tiền từ hoạt động tài chính lại dương 1.469 tỷ đồng, chủ yếu là tăng vay nợ.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HBC có sự hồi phục từ phiên 20/6 đến nay, từ vùng giá 15.000 đồng lên 20.000 đồng. Tuy nhiên so với mức đỉnh 34.500 đồng hồi đầu năm thì còn cách rất xa. Mới đây, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HBC đã đăng ký mua hơn 6,6 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh từ ngày 27/7 đến 25/8. Mục đích giao dịch là đầu tư.

Ông Hải đang là cổ đông lớn tại HBC với tỷ lệ sở hữu đạt 17,21% vốn điều lệ. Nếu giao dịch hoàn tất, vị lãnh đạo sẽ nâng lượng nắm giữ lên 48,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 19,91%). Trước đó, từ ngày 23/6 đến 22/7, ông Hải đã mua vào 3,4 triệu đơn vị HBC để nâng lượng sở hữu từ 38,9 triệu cổ phần (tỷ lệ 15,84%) lên 42,3 triệu cổ phần (tỷ lệ 17,21%).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.