Malaysia Airlines tiên phong 'bay xanh' bằng nhiên liệu từ dầu ăn tái chế

Hàng KHông MALAYSIA
16:59 - 03/07/2022
Malaysia Airlines tiên phong 'bay xanh' bằng nhiên liệu từ dầu ăn tái chế
0:00 / 0:00
0:00
Sau chuyến bay đầu tiên ngày 5/6 vừa qua nhân Ngày Môi trường Thế giới, hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) đang tiếp tục đi tiên phong trong việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững làm từ các loại chất thải tái chế trong đó có dầu ăn.

Theo đó, các chuyến bay chở khách có sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững được thực hiện thử nghiệm trên những chiếc máy bay Boeing 737-800. Những chuyến bay này sử dụng hỗn hợp khoảng 38% nhiên liệu hàng không bền vững chiết xuất từ dầu ăn thải loại và 62% nhiên liệu máy bay phản lực thông thường.

Chuyến bay đầu tiên sử dụng loại nhiên liệu hỗn hợp này mang số hiệu MH603 ​khởi hành từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur đến Sân bay Changi Singapore ngày 5/6 vừa qua và chuyến bay ngược lại trong ngày. Hành khách đặt vé các chuyến bay có sử dụng nhiên liệu bền vững được hãng giảm giá 15%.

“Các chuyến bay này tái khẳng định cam kết của hãng hàng không quốc gia đối với một ngày mai bền vững và đánh dấu bước tiến bộ đáng kể trong việc đạt được nguồn nhiên liệu sạch hơn, khả thi hơn cho các chuyến bay thường xuyên vào năm 2025”, đại diện Malaysia Airlines tuyên bố.

Nhiên liệu hàng không bền vững là một dạng nhiên liệu được sản xuất từ ​​nhiều nguồn hoặc nguyên liệu khác nhau. Ngoài từ dầu ăn đã qua sử dụng còn có thể được tạo ra từ các loại dầu thải làm từ động vật hoặc thực vật khác như tảo, chất thải rắn từ gia đình và doanh nghiệp, chẳng hạn như bao bì, giấy, hàng dệt may, thức ăn thừa, rác thải đô thị, cây xanh cũng như cây phi lương thực, gỗ phế thải...

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, nhiên liệu này cũng có thể được sản xuất tổng hợp thông qua quy trình thu giữ carbon trực tiếp từ không khí. "So với nhiên liệu phản lực hóa thạch thông thường, lựa chọn nhiên liệu bền vững này, được làm từ 100% chất thải tái tạo và các nguyên liệu thô, có thể giảm tới 80% lượng khí thải nhà kính", đại diện Malaysia Airlines cho biết thêm.

Nhiên liệu bền vững chưa bền vững xét từ góc độ chi phí

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành năng lượng cho rằng, việc cung cấp năng lượng cho các “chuyến bay xanh” so với các công nghệ khác như năng lượng hydro và pin cần một “đường băng” dài hơn nữa, trước khi chúng có thể được áp dụng rộng rãi. Lý do là nguồn cung hạn chế và giá nhiên liệu bền vững cao.

Theo số liệu do IATA cung cấp tháng 2/2022, sản lượng sản xuất nhiên liệu bền vững có thể đạt 7,9 tỷ lít, tương đương 2% nhu cầu nhiên liệu tổng thể vào năm 2025 với “sự hỗ trợ chính sách phù hợp của chính phủ”, hãng tin CNBC đưa tin.

Nhiên liệu bền vững đắt hơn từ 2 đến 5 lần so với nhiên liệu máy bay phản lực truyền thống

Nhiên liệu bền vững đắt hơn từ 2 đến 5 lần so với nhiên liệu máy bay phản lực truyền thống

Về vấn đề giá cả, cố vấn hàng không độc lập Priveen Raj Naidu ước tính rằng nhiên liệu bền vững đắt hơn từ 2 đến 5 lần so với nhiên liệu máy bay phản lực truyền thống. Còn theo nhận định của Công ty lọc dầu Neste, các yếu tố thúc đẩy chi phí sản xuất loại nhiên liệu xanh này bao gồm việc thiếu trợ cấp của chính phủ và nguồn cung cấp nguyên liệu thô.

Bà Andreea Moyes, Giám đốc phát triển bền vững của Air BP, một trong những nhà cung cấp nhiên liệu hàng không lớn nhất thế giới, nói rằng sự phát triển liên tục của công nghệ sản xuất cũng làm tăng thêm chi phí. “Công nghệ phát triển sẽ giúp sản xuất nhiên liệu trở nên hiệu quả hơn và cùng với đó, kỳ vọng là chi phí ít tốn kém hơn cho khách hàng”, bà Moyes nói thêm.

Còn ông Greg Waldron, biên tập viên phụ trách khu vực châu Á của trang tin tức về hàng không và vũ trụ FlightGlobal, cho biết: “Thông thường, các hãng hàng không đang sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững sẽ sử dụng hỗn hợp với nhiên liệu thông thường, nghĩa là họ sử dụng một tỷ lệ nhiên liệu bền vững nhất định trên các chặng bay cụ thể”.

Hiệu quả đối với nhiên liệu bền vững

Các chuyên gia cho biết cần có một nỗ lực phối hợp do các chính phủ đứng đầu để thúc đẩy nhiên liệu bền vững trong ngành hàng không. “Nhiên liệu bền vững sẽ đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng, đòi hỏi rất nhiều đầu tư, sẽ thực sự đòi hỏi rất nhiều sự hỗ trợ của chính phủ, bởi vì các hãng hàng không đơn giản là không có tiền để tài trợ cho loại cơ sở hạ tầng đó”, ông Waldron của FlightGlobal cho biết.

Chuyên gia Priveen Raj Naidu cũng đồng tình với quan điểm trên: "Chính phủ và các bên liên quan phải tìm ra cách để đáp ứng nhu cầu sẽ có ý nghĩa kinh tế đối với các hãng hàng không, vì hầu hết các hãng hàng không chỉ mới bắt đầu hồi phục sau “cú đánh” của Covid".

Vào tháng 4 vừa qua, Singapore đã đưa ra một thỏa thuận hợp tác với New Zealand để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành hàng không. Trong đó bao gồm việc nghiên cứu thiết lập “làn đường xanh” giữa hai quốc gia và khả năng thương mại hóa để khuyến khích người tiêu dùng thực hiện các chuyến bay chạy bằng nhiên liệu bền vững.

Khi công nghệ hàng không xanh phát triển, theo ông Waldron, các hãng hàng không đang liên tục nâng cao các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu bằng cách tối ưu hóa đường bay và ưu tiên đội máy bay trẻ hơn - những biện pháp không chỉ tốt hơn cho môi trường mà còn cho lợi nhuận của chính họ.

Tin liên quan

Đọc tiếp