MB Bank nhận chuyển giao 0 đồng một tổ chức tín dụng yếu kém

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:17 - 25/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) tổ chức Đại hội cổ đông 2022 với nhiều nội dung quan trọng được đệ trình và thông qua, trong đó trọng tâm liên quan đến việc nhà băng này nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Trả lời chất vấn của cổ đông về vấn đề nhận chuyển giao nói trên, ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MB Bank cho biết: "Đây là việc cần thiết và phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật. Đồng thời giúp MB có cơ hội tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới, gia tăng lợi ích cổ đông".

Hiện tại MB đã trình cơ quan quản lý nhà nước về việc nhận chuyển giao bắt buộc và được chấp thuận về chủ trương. Sau khi hợp nhất, MB sẽ áp dụng quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật như không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc; được loại trừ tổ chức tín dụng này khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất…

"Chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng là một việc khó, tiềm tàng nhiều rủi ro, nhưng chúng ta được sự ủng hộ của NHNN, và dự án có ích cho xã hội. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng dài hạn sẽ đem lại cộng hưởng lớn cho MB tăng trưởng trong tương lai và làm lành mạnh hoá hệ thống, từng bước giải quyết khoản lỗ, giảm gánh nặng cho ngân sách", ông Lưu Trung Thái chia sẻ với cổ đông.

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng, sau khi MB nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng chưa được công bố chi tiết nói trên thì MB trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng này. Tổ chức tín dụng được chuyển giao cũng bắt buộc là pháp nhân độc lập với MB.

Ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội. Ảnh: MB

Ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội. Ảnh: MB

Lý giải nguyên nhân MB vừa là nhiệm vụ vừa là tự nguyện nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém, ông Thái chia sẻ, MB là một trong 7 ngân hàng được mời đến tham gia dự án chuyển giao bắt buộc. Sau đó, tập đoàn được lựa chọn vì có khả năng tốt, nhu cầu tăng trưởng hàng năm tại MB lớn hơn khả năng được NHNN cho phép. "Hiện mỗi năm MB tăng trưởng hơn 20-25%, nhưng chúng ta vẫn có thể tăng thêm 30-35% mà vẫn ở mức an toàn, không có nhiều rủi ro. Với việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, MB sẽ được ưu tiên để mở rộng không gian tăng trưởng".

Tuy thời điểm kết thúc ĐHĐCĐ, danh tính của ngân hàng nhận chuyển giao vẫn chưa được tiết lộ, nhưng sau khi nhận chuyển giao bắt buộc MB và tổ chức tín dụng bị chuyển giao vẫn sẽ là pháp nhân độc lập, hạch toán riêng và không ảnh hưởng tới chính sách chia cổ tức của ngân hàng. Tổng Giám đốc MB khẳng định: "MB chỉ nhận chuyển giao như phương án đã trình cổ đông, nằm trong phạm vi dưới 10% tổng tài sản của MB, lỗ lũy kế không quá 20.000 tỷ đồng".

Nói về 2 biện pháp xử lý cụ thể, ông Lưu Trung Thái cho biết thêm: "Ngân hàng chuyển giao bắt buộc được vay một khoản tiền 0% trong thời gian tái cơ cấu. Cộng với việc được phép tăng trưởng ngân hàng đó với quy mô tốt. Mất khoảng 7-8 năm, MB có thể giải quyết dứt điểm lỗ luỹ kế ngân hàng nhận chuyển giao này".

Khi giải quyết hết lỗ, MB sẽ không nhất thiết phải hợp nhất ngân hàng mà sẽ triển khai các phương án tái cơ cấu sáp nhập MB để tăng quy mô tài sản, hoặc bán ngân hàng đó như một khoản đầu tư.

Đặt tham vọng lãi hàng tỷ USD trong năm 2022

Cũng báo cáo tại Đại hội, Thượng tướng Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT MB cho biết, ngân hàng đã hoàn thành trước hạn 100% các mục tiêu chiến lược đề ra, tiêu biểu như chuyển đổi số tập đoàn, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên, nâng cao quan hệ khách hàng với hai nền tảng là quản trị rủi ro vượt trội và năng lực thực thi nhanh.

Trong năm 2021, MB Bank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 16.527 tỷ đồng, tăng gấp 4,53 lần so với 2016, vượt mục tiêu về lợi nhuận và lọt vào TOP 4 trong toàn ngành ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của Tập đoàn trong năm qua ở mức 0,9%; nợ xấu riêng ngân hàng là 0,68% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn Tập đoàn 349%, nằm trong TOP các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất và tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cao nhất.

CIR hợp nhất đạt 33,06%, giảm 5% so với 2020. MB đã hoàn thành phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35%. Chuyển đổi số tiếp tục là điểm sáng khi MB phát triển 6,3 triệu khách hàng mới trong năm 2021, tương đương số lượng khách hàng thu hút trong 26 năm trước đó, lũy kế đạt hơn 12,9 triệu khách hàng.

Với kết quả kinh doanh gặt nhiều thành công, sang năm 2022, MB tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.300 tỷ đồng, tăng 23%; riêng ngân hàng là 17.300 tỷ đồng, tăng 20%.

MB Bank kỳ vọng, lợi nhuận trước thuế của tập đoàn năm 2022 sẽ đạt 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng). Tổng tài sản dự kiến đạt 700.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 16% lên 472.600 tỷ đồng và theo giới hạn room mà Ngân hàng Nhà nước giao cho. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2021. Theo đó, nhà băng này sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Bên cạnh đó là phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 (tương đương với tỷ lệ 20% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2021). Qua đó tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp