Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tỉnh Lạng Sơn nhìn nhận lãng phí nguồn nhân lực là lãng phí lớn nhất - Ảnh: quochoi.vn |
Ngày 31/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường để tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Đại biểu Trần Hữu Hậu - đoàn ĐBQH Tỉnh Tây Ninh bày tỏ sự đồng tình với đánh giá chung trong Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội. Song ông cho rằng, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng, mới chỉ là một phần của những lãng phí hữu hình có thể nhìn thấy được, chỉ ra được, đo đếm được.
"Đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình lớn hơn nhiều, không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quý giá của quốc gia. Đó là lãng phí trách nhiệm."
Đại biểu Trần Hữu Hậu nhận định, chuyện những bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ, chuyện không thể đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong các bệnh viện công ảnh hưởng lớn đến việc khám, chữa bệnh, chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm...đang làm trì trệ biết bao nhiêu việc lớn nhỏ trong bộ máy quản lý hành chính, gây ra lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp đã được các đại biểu nói rất nhiều trong 2 ngày thảo luận về kinh tế xã hội.
Ở một góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm; thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không hoàn toàn sai.
Nhưng ông Hậu cho rằng, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều, tinh thần trách nhiệm của họ do nhiều nguyên nhân, đôi khi không được phát huy, gây nên những lãng phí không đo đếm hết được.
Dẫn chứng cho quan điểm của mình, đại biểu Trần Hữu Hậu nêu ví dụ về vướng mắc liên quan việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình cấp bách.
“Trong những ngày này, các địa phương đang xây dựng dự toán ngân sách 2023; rất, và rất nhiều địa phương đang đau đầu trong việc sử dụng ngân sách thế nào cho có hiệu quả, đáp ứng những nhu cầu bức thiết của cử tri, của người dân mà không vi phạm các quy định”, đại biểu Hậu nêu.
Thực tế, nhiều công trình cần thiết nên làm bằng kinh phí chi thường xuyên để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí… nhưng theo quy định phải sử dụng nguồn đầu tư công với quy trình thủ tục nhiêu khê, tốn kém nhiều công sức, thời gian.
Điều này dẫn đến tình trạng, khi dùng nguồn chi thường xuyên, họ biết làm như vậy là phù hợp, là hiệu quả nhưng nơm nớp lo bị kiểm điểm, bị xuất toán. Để hạn chế chuyện ấy xảy ra, nhiều trường hợp, họ phải tốn không ít thời gian và trí tuệ chỉ để tìm cho ra một cái tên của dự án sao cho phù hợp quy định và tránh sự chú ý của cơ quan kiểm toán.
Ông Hậu nói đó là việc “không ai muốn làm" nhưng "đang diễn ra ở nhiều nơi trong mỗi kỳ lập dự toán ngân sách hàng năm”.
Đại biểu Hậu cũng thông tin là sau kỳ họp thứ 3, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương soạn thảo tờ trình công phu để nếu được thì hoàn thiện hồ sơ trình ra Kỳ họp thứ 4 này để Quốc hội ban hành một nghị quyết về "Bổ sung quy định về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm" nhằm khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện các vấn đề liên quan trong khi chưa sửa được luật Đầu tư công.
Lãng phí nguồn nhân lực là lãng phí lớn nhất
Lo lắng về lãng phí nguồn nhân lực, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tỉnh Lạng Sơn nêu thực trạng Việt Nam đang thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động hùng hậu với 51 triệu người, nhưng chất lượng chưa cao. Tỷ lệ lao động mới đạt 67%; có văn bằng chứng chỉ 27%.
"Nếu không có chính sách tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh dân số vàng thì đây là lãng phí rất lớn, tác động tiêu cực về nhiều mặt, kéo dài qua nhiều thế hệ", đại biểu Nghĩa cảnh báo.
Lý giải rõ hơn, đại biểu tỉnh Lạng Sơn nêu nhận định, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng trưởng nhanh nên khoảng cách năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực vẫn còn khá xa.
Nếu không có giải pháp quyết liệt, năng suất lao động của Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn các quốc gia trong khu vực, nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng là hiện hữu.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc sinh viên ra trường không tìm kiếm được việc làm hiện nay cũng là một lãng phí nguồn nhân lực. Theo số liệu công bố của của Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành kiến trúc, xây dựng, kỹ thuật, kỹ sư làm trái ngành là 31,6%, trong khi đó ở các ngành nhân văn, nghệ thuật, xã hội là 63%, các ngành nông lâm, ngư nghiệp là 67%.
"Sinh viên dành 4 -6 năm học trên ghế nhà trước để học về một ngành cụ thể nhưng khi ra trường làm trái ngành. Đây là sự thất thoát, lãng phí rất lớn về nhân lực lao động chất lượng cao", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH Tỉnh Trà Vinh cũng nêu, chất lượng lao động là chìa khóa tăng năng suất lao động. Đây cũng là một trong ba đột phá chiến lược kinh tế - xã hội. Thời gian qua, nguồn nhân lực Việt Nam có bước tiến đáng kể, nhưng năng suất lao động so với các nước trong khu vực còn khiêm tốn. Nếu không có giải pháp quyết liệt, tình trạng này sẽ gây lãng phí lớn.
Sinh viên ra trường làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục, thậm chí còn cho thấy lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp.
Để đảm bảo sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, tránh lãng phí, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu lên 3 kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng để giải quyết vấn đề trên.
Thứ nhất, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.
Thứ ba, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.