Năng lượng xanh là cơ hội giúp doanh nghiệp giảm chi phí

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
10:10 - 18/05/2023
0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ đem đến các điều kiện cơ bản trong quá trình hội nhập quốc tế và các đòi hỏi từ thị trường, việc áp dụng năng lượng xanh còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh…

Đây là chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tại Tọa đàm “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”.

Doanh nghiệp gặp khó trong chi phí chuyển đổi năng lượng xanh

Thông tin tại tọa đàm, ông Vũ Đức Giang cho biết, ngành dệt may hiện nay có khoảng gần 3 triệu lao động, trong quý 1/2023 các nhà máy xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD. Ngành đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm.

Việc tiếp cận với năng lượng tái tạo đem đến nhiều lợi ích cho cả các bên, nhất là những lĩnh vực có sự tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, theo ông Giang, vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là tài chính, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào việc phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này.

"Việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết, bởi hiện tại, chi phí điện lưới là rất lớn. Việc phát triển điện mái, điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh cho hàng hóa mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa được sản xuất ra" Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Cùng bàn về vấn đề này tại sự kiện do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, điện áp mái là vấn đề cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề này không chỉ nằm trong lộ trình mà Chính phủ cam kết, cũng như yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, mà còn liên quan đến vấn đề chi phí.

Ngoài ra, theo ông Nam, thực hiện được các tiêu chí này thì Việt Nam sẽ được các điểm cộng, đặc biệt là nhiều điểm cộng hơn trong thương mại với các nước.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp.

Trước nhu cầu năng lượng rất lớn của ngành, ông Nguyễn Hoài Nam bày tỏ mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành về mặt cơ chế, hướng dẫn để đầu tư, đáp ứng được trách nhiệm môi trường từ các nước nhập hàng đang yêu cầu; Thực hiện đúng lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, hay giải quyết chi phí năng lượng.

Đồng thời, ông đề xuất các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương có thể nhanh chóng hỗ trợ về cơ chế để doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư và lắp đặt điện mặt trời áp mái được đấu nối và có lắp đặt thiết bị chống phát ngược. Hoặc Chính phủ có thể sớm có cơ chế mới về lắp đặt điện mặt trời áp mái để các công ty chuyên về lĩnh vực này có thể áp dụng và giúp các doanh nghiệp trong ngành lắp đặt đầu tư.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong Quy hoạch điện VIII nêu rõ “điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”.

Trong thực tế, chỉ có số ít doanh nghiệp xuất khẩu may mặc chọn phương án mua điện năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà của các Quỹ đầu tư nước ngoài. Với các ngành sản xuất, còn rất nhiều lĩnh vực đang mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh.

“Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Do đó cần gói giải pháp tổng thể từ phía chính quyền, doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.

Giải pháp về chi phí năng lượng cho doanh nghiệp

Bàn về vấn đề chi phí chuyển đổi năng lượng xanh cho doanh nghiệp, đại diện SP Group cho biết, Việt Nam là thị trường khá non trẻ với SP sau khi đã có thời gian dài hoạt động tại Australia, Singapore hay Trung Quốc. Hiện SP đã thành lập được các công ty có pháp nhân tại Việt Nam và huy động được các nguồn tài chính vững mạnh. Năm 2022, SP đã được đánh giá là một trong những nhà đầu tư phát triển điện mặt trời hàng đầu ở Việt Nam.

Theo vị đại diện, mô hình tự dùng của SP khá phổ biến với nhiều nhà cung ứng. Tuy nhiên, mô hình này là SP đầu tư toàn bộ trực tiếp phần vốn, phụ trách giấy phép và phụ trách phần bảo trì hệ thống trong suốt thời gian thi công hợp đồng, thông thường là nhà thầu Việt Nam. Trong đó, giá tiền điện sẽ được chiết khấu cho các khách hàng. Ở miền Bắc chưa hấp dẫn, nhưng miền Trung và Nam thì giá có thể thấp hơn khoảng 10-20% so với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đại diện SP Group chia sẻ tại tọa đàm. Nguồn: BTC

Đại diện SP Group chia sẻ tại tọa đàm. Nguồn: BTC

Với mô hình đầu tiên là khách hàng tự đầu tư hệ thống, đại diện SP Group nhấn mạnh, hiện nay nếu ở miền Bắc thì chi phí đầu tư ban đầu quá lớn và thời gian thu hồi vốn quá dài. Theo đó, SP đang theo đuổi một giải pháp là SP đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp suốt thời gian hợp đồng, từ 15-25 năm.

GreenYellow Việt Nam cũng là một trong các đơn vị hàng đầu đầu tư năng lượng mặt trời giúp các doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng thành công. Theo đại diện đến từ đơn vị này, hiện công ty có ba giải pháp giúp cho doanh nghiệp sử dụng điện xanh sạch.

Đó là sử dụng điện mặt trời áp mái; Mua chứng chỉ xanh cho hoạt động thương mại xanh của quốc tế cho doanh nghiệp; Tối ưu hóa việc thiện doanh nghiệp sử dụng điện năng.

“Với cả ba giải pháp này chúng tôi đều cung cấp. Và giải pháp cốt lõi là điện năng lượng mặt trời áp mái. Chúng tôi là đơn vị đầu tư toàn bộ thiết bị, từ thiết kế, thi công, hay bảo trì và làm giấy phép cũng như chịu trách nhiệm về bảo hiểm trong toàn bộ thời gian hợp đồng”, đại diện công ty Green Yellow cho hay.

Đại diện đến từ công ty Green Yellow. Nguồn: Nguồn: BTC.

Đại diện đến từ công ty Green Yellow. Nguồn: Nguồn: BTC.

Cũng theo vị đại diện này, Green Yellow đóng vai trò là đơn vị cung cấp điện thứ hai cùng với EVN cho khách hàng. Với mô hình như vậy, khách hàng không cần bỏ chi phí đầu tư, chi phí vận hành trong suốt thời gian hoạt động, chi phí này đã do quỹ đầu tư của công ty chi trả. Đồng thời, tiết kiệm được chi phí so với điện mà khách hàng đang mua.

Hiện, Green Yellow có thể chiết khấu 10-15% so với giá trị của EVN ở thị trường miền Bắc.

Tin liên quan

Đọc tiếp