Ngành dệt may Việt Nam đang 'xanh hóa' để tận dụng các FTA

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
08:32 - 06/02/2022
Ngành dệt may Việt Nam đang 'xanh hóa' để tận dụng các FTA
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp dệt may đang dần chuyển sang “nguyên liệu xanh” để đáp ứng yêu cầu của đối tác và mở rộng thị trường. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong tương lai khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm từ các doanh nghiệp may

Hiện nay biến đổi khí hậu đang là vấn đề được chính phủ và các tổ chức kinh doanh Việt Nam đặc biệt quan tâm. Nhất là ngành dệt may, việc sử dụng nguyên liệu xanh sẽ góp phần vào việc bảo vệ môi trường, đảm bảo sản phẩm thời trang an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp thời trang đang hướng tới mục tiêu sử dụng nguyên liệu xanh nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Hiện ngành thời trang đã sử dụng khá nhiều nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên được ứng dụng trong sản xuất, thậm chí từ rác thải.

Sự kiện Việt Nam tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới đây đã mang lại nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là ngành dệt may. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các ưu đãi thương mại FTA, các doanh nghiệp cần phải đổi mới mọi khía cạnh hoạt động của mình, nhất là “xanh hóa” các nguyên liệu để bảo vệ môi trường.

Ông James Phillips, Tổng Giám đốc Công ty may mặc TAL Việt Nam cho biết, hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp.

Do đó, yêu cầu các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cung cấp và gia công cho các nhãn hàng này cần phải thực hiện sản xuất theo hướng “xanh hóa” một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển. Theo đó, nhà máy của doanh nghiệp sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường; doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội…

Theo ý kiến của ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), kiêm Trưởng ban Phát triển bền vững của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới và cũng là đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam đang có xu hướng chuyển sang ưu tiên các “doanh nghiệp xanh”.

Theo đó, những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.

Vì vậy, hiện đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng các mặt hàng ra thị trường quốc tế.

Theo các chuyên gia, khi các doanh nghiệp được đánh giá là phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị cho cả ngành dệt may Việt Nam. Khi đó, các nhãn hàng thế giới sẽ nhìn Việt Nam ở một con mắt khác, đơn hàng từ các quốc gia khác sẽ được chuyển sang Việt Nam là có thể xảy ra.

Thời trang "xanh" lên ngôi

Các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, người tiêu dùng đang có xu hướng ủng hộ các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Đa số người tiêu dùng có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, môi trường cũng như hướng đến các lợi ích xã hội. Thay vì chỉ chọn sản phẩm thời trang dựa trên màu sắc hay kiểu dáng, người tiêu dùng thông thái hiện đang ngày càng hướng đến các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường, có thể tự phân hủy.

Điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may quan tâm hơn về vấn đề sử dụng nguyên liệu xanh. Nhiều doanh nghiệp đã đón đầu xu hướng, nhanh chóng ứng dụng nguyên liệu xanh vào thực tế sản xuất.

Người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm "xanh" hóa để bảo vệ môi trường ( Ảnh minh họa)

Người tiêu dùng hướng tới các sản phẩm "xanh" hóa để bảo vệ môi trường ( Ảnh minh họa)

Theo kịch bản tốt nhất của Vitas, kim ngạch xuất khẩu của dệt may năm 2022 có thể đạt 42,5-43,5 tỷ USD. Tuy nhiên, câu chuyện "xanh hóa" sẽ là thách thức dài hạn không thể bỏ qua. Bởi trong chiến lược phát triển đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu không giữ 39% thị phần dệt may của thế giới như hiện nay mà giảm xuống 30%.

Nguyên nhân do Trung Quốc quyết định đi theo hướng tập trung vào khu vực có biên lợi nhuận cao nhất như nguyên liệu tái chế, ví dụ như vải polyeste tái chế. Một đối thủ khác của Việt Nam là Banglades cũng đi theo hướng đầu tư hiện đại hóa. Năm 2021, 9 trong 10 nhà máy “may mặc xanh” đạt tiêu chuẩn cao nhất được Hội đồng Xây dựng xanh Mỹ cấp chứng nhận là ở Banglades.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu "xanh hóa" đang là yêu cầu cấp bách trước chiến lược hiện đại hóa ngành dệt may của nhiều đối thủ nước ngoài lớn cũng như để duy trì dòng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn tín dụng ngân hàng trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường đã bắt đầu hiệu lực đầu năm nay. Sau hết, hiệu quả cuối cùng chính là triển vọng thu hút khách hàng.

Cam kết chuyển đổi xanh không chỉ tập trung vào nguyên liệu xanh, Faslink - một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh tiên phong đón đầu xu hướng từ năm 2008 đến nay hướng tới xanh hoá các hoạt động sản xuất, vận hành và chiến lược kinh doanh, hướng tới một loại hình công nghiệp mới, khởi nguồn từ nguyên liệu xanh, nguyên liệu công nghệ.

Mới đây, tại sự kiện “Green Path - Con đường xanh”, Faslink giới thiệu triển lãm “Sợi vải xanh” với 5 loại sợi tự nhiên, bao gồm: sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại, mang lại đặc tính vượt trội về độ mềm mịn, bền đẹp và thời trang.

Tin liên quan

Đọc tiếp